Thực hiện chuyển đổi số, Đề án 06 đã làm thay đổi “bước ngoặt” các hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội

Cập nhật ngày: 21/07/2023 12:25:18

ĐTO - Sáng ngày 21/7, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số (CĐS), thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS), thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã mang lại những thay đổi “bước ngoặt” trong hoạt động của ngành.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp

Thực hiện CĐS, Đề án 06 góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Các bộ, ngành, địa phương được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, nên việc xây dựng, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, triển khai rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ngành BHXH Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu quả quản lý của ngành.

Trọng tâm của CĐS là xây dựng Chính phủ số, trong đó Đề án 06 là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, đây là thước đo hiệu quả nhất cho quá trình CĐS của một tổ chức. Qua một năm rưỡi triển khai, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ các năm tiếp theo. Nhận thức được vấn đề này, ngay khi khởi động Đề án 06, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực, nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội; triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa (Hà Nội).

Ngoài chia sẻ nhiều kết quả đạt được, các đại biểu đại diện bộ, ngành, địa phương dự hội nghị đề xuất nhiều giải pháp giải quyết hạn chế, vướng mắc như: còn nhiều văn bản pháp lý đang trong giai đoạn rà soát, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 (quy định về việc thực hiện xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT, quy định về việc lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc...); một số bộ, ngành chưa chủ động trong phối hợp triển khai các nhiệm vụ chung, dẫn đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ cần có sự phối hợp bị chậm; đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; chế độ đãi ngộ cho cán bộ CĐS, công nghệ thông tin còn hạn chế; công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin…

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa về công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và đã bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời các nội dung nhiệm vụ được giao. Ngành đã đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho CSDL và các hệ thống thông tin của ngành; xây dựng, triển khai CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp, liên thông các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; triển khai ứng dụng VssID; phối hợp triển khai VNeID, sổ sức khỏe điện tử; hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam...

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá cao sự quyết tâm của BHXH Việt Nam trong thực hiện Đề án 06 và đạt nhiều kết quả nổi bật; ghi nhận các đề xuất thiết thực và sẽ tham mưu phân công thực hiện trong thời gian tới, nhất là những dữ liệu chưa hoàn thành, cần phối hợp để giải quyết sớm. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc mong các bộ, ngành liên quan, địa phương cùng chia sẻ, cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thực hiện thành công Đề án 06 để người dân Việt Nam, người nước ngoài đến Việt Nam sẽ được hưởng nhiều hơn các dịch vụ công mà không cần dùng giấy tờ, không cần đi đến cơ quan công quyền…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn