Khai thác lợi thế bằng hệ thống cảng

Cập nhật ngày: 08/07/2013 04:27:22

"Ngăn sông cách trở" là bất lợi đối với Đồng Tháp về vị trí địa lý, tuy nhiên khó khăn đó đến nay được xem là một tiềm năng trong khai thác vận chuyển hàng hóa khi Tân cảng Sài Gòn đã đầu tư hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh và hướng tới xây dựng thương hiệu cảng Đồng Tháp uy tín, chất lượng hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hệ thống cảng đi vào hoạt động ổn định sẽ giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, mở ra triển vọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương.


Hệ thống cảng Cao Lãnh

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ xây dựng các cảng Đồng Tháp trở thành điểm kết nối quan trọng trong chuỗi Logistics ở ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng xuất nhập khẩu Đồng Tháp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và tăng cường giao thương với Campuchia.

Sau khi tiếp nhận Cảng Đồng Tháp, Tổng ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng đã khẩn trương đầu tư các trang thiết bị xếp dỡ container, nâng cấp kết cấu hạ tầng cải tiến công tác quản lý khai thác cảng. Với những thuận lợi trên, trong năm 2012, sản lượng hàng hóa qua container thông qua cảng tăng 6 lần so với năm 2011.

Cảng cung cấp dịch vụ chuỗi vận chuyển hàng hóa trọn gói dựa trên 3 nền tảng với chất lượng dịch vụ hàng đầu; quản trị tiên tiến, nhân lực chuyên nghiệp và chất lượng cao; văn hóa doanh nghiệp trách nhiệm với cộng đồng. Theo đó, hệ thống cảng sẽ tập trung phục vụ các mặt hàng chủ lực của địa phương như: gạo, thức ăn gia súc, thủy sản.

Sau khi hoàn thành đầu tư và đưa cảng Tân Cảng Sa Đéc vào khai thác container, Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục đầu tư cầu bến và các trang thiết bị chuyên dùng cho khai thác container giai đoạn 1 của cảng Tân Cảng Cao Lãnh. Đơn vị Tân Cảng Cao Lãnh có khả năng khai thác container và điểm kết nối quan trọng trong chuỗi vận tải của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tạo tiền đề để triển khai sà lan lớn trên tuyến Hồ Chí Minh - Sa Đéc - Cao Lãnh theo hướng sà lan buýt. Hệ thống này, cung cấp dịch vụ vận chuyển giao nhận đến kho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh.

Ông Trần Khánh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: "Hệ thống cảng tỉnh Đồng Tháp mặc dù không lớn như hệ thống cảng Cái Mép nhưng ưu điểm là nằm ở trung tâm ĐBSCL với các sản phẩm chủ lực về lúa gạo, thủy sản... Vì thế, chúng tôi cho rằng hệ thống cảng này rất quan trọng trong hệ thống cảng Logistics. Đối với Công ty, lợi nhuận chưa phải là mục tiêu đầu tiên mà Công ty Tân Cảng Sài Gòn hướng tới, hiện tại điều quan trọng là sự hỗ trợ lẫn nhau về phát triển kinh tế - xã hội địa phương và ĐBSCL.

Hệ thống cảng Cao Lãnh đi vào hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khoảng 5%, con số rất ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Đồng thời, con số này sẽ lớn hơn khi Công ty hoàn thiện nhiều khâu khác. Thuận lợi nữa là về thủ tục hải quan, thuế thì doanh nghiệp tỉnh nhà sẽ thực hiện tại địa phương. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể quản lý, kiểm soát được chất lượng hàng hóa".

Phấn khởi trước việc thành lập khai thác cảng Cao Lãnh, chủ doanh nghiệp Thanh Tùng (TP.Cao Lãnh) cho hay, việc đầu tư thành lập hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, thay vì trước đây phải qua nhiều khâu trung gian. Qua đó, góp phần hạ chi phí, giúp doanh nghiệp phát triển. Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ việc vận chuyển hàng hóa bằng hệ thống cảng tại địa phương.

Trong buổi công bố tiếp nhận container cảng Tân Cảng Cao Lãnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan cho rằng: "Hệ thống cảng Sa Đéc, Cao Lãnh sẽ tạo bước đột phá cho ngành khai thác cảng nói riêng và kinh tế tỉnh nói chung. Tôi tin tưởng rằng, cảng Cao Lãnh sẽ là bước đột phá về hạ tầng, là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút nhiều dự án mới. Với phương thức vận tải container đường thủy, dịch vụ Logistics đến tận kho khách hàng, giúp cho sản phẩm hàng hóa Đồng Tháp nhanh chóng tiếp cận với các thị trường thế giới. Đến nay, câu nói "Ngăn sông cách trở" là bất lợi trong thời gian trước thì hiện tại lại là lợi thế khi hệ thống cảng được xây dựng".

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn