Tỉnh đẩy mạnh đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội phát triển kinh tế tư nhân

Cập nhật ngày: 23/10/2022 06:09:00

ĐTO - Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư và đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Trần Quốc Toản (Phường 11, TP Cao Lãnh), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Theo đó, tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phục vụ xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, rà soát và điều chỉnh các quy hoạch; Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn; quy hoạch phát triển ngành thương mại, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch thủy lợi... Các cấp, ngành tăng cường huy động nguồn lực xã hội, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng, ưu tiên của tỉnh, bảo đảm cân đối hài hòa giữa ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Đặc biệt là đầu tư khắc phục điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông trọng điểm, đầu tư phát triển các đô thị lớn của tỉnh, đô thị vệ tinh, hạ tầng phục vụ tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch và an sinh xã hội.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch đúng theo quy định Luật Đầu tư công, không để mất cân đối thu, chi ngân sách và quản lý tốt vấn đề nợ công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Trên cơ sở định hướng cơ cấu lại đầu tư công của Chính phủ, tỉnh đã chủ động điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do tỉnh quản lý và phân bổ với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2021 phân bổ trên 3.930 tỷ đồng (không bao gồm 750 tỷ đồng vốn sử dụng đất). Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã thu hút được 211 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 24.100 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 427 dự án với tổng vốn đăng ký trên 41.100 tỷ đồng, trong đó có 25 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn khoảng 5.900 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục cũng được tập trung thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cho 7 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT với tổng vốn đầu tư 608 tỷ đồng. Phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư có 3 dự án đầu tư kinh doanh bến xe khách và xe tải với tổng vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng; hoàn thành dự án Tổ hợp nhà phố thương mại Vincom Shophouse Cao Lãnh (TP Cao Lãnh); đang thi công khu đô thị FLC La Vista Sadec (TP Sa Đéc).

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn bám sát mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 10, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư tín dụng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, tạo được sự gắn kết giữa các Chi nhánh ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp được triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng sau dịch. Hầu hết tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận vốn vay; tập trung huy động vốn để bảo đảm nguồn vốn vay, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng ưu tiên phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động về kinh doanh, quản trị, khởi sự doanh nghiệp để phục vụ cho khu vực kinh tế tư nhân. Các cơ sở đào tạo luôn quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nhất là chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác... đáp ứng nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân và thị trường lao động trong và ngoài nước.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn