Mô hình sinh kế trong mùa nước nổi
Cập nhật ngày: 25/10/2024 15:10:49
ĐTO - Hằng năm, vào mùa nước nổi, bên cạnh việc đánh bắt nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, các hộ gia đình ở vùng biên giới đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp còn phát triển mô hình nuôi trữ cá đồng trên các cánh đồng sau vụ lúa.
Vào mùa nước nổi, các cánh đồng ngập nước trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loài cá đồng. Năm 2023, mô hình nuôi trữ cá đồng trong mùa nước nổi được thực hiện tại ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự với diện tích 100ha, qua hiệu quả đạt được nên đã nhân rộng, tiếp tục thực hiện trong năm 2024 lên 150ha với gần 100 hộ tham gia.
Cánh đồng ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự thực hiện mô hình nuôi trữ cá đồng trong mùa nước nổi
Khi mùa nước nổi về, các hộ gia đình tất bật chuẩn bị thực hiện mô hình nuôi trữ cá đồng và đến khoảng tháng 10 âm lịch, bắt đầu thu hoạch các loài thủy sản. Ông Đặng Văn Bé - Tổ trưởng Tổ nuôi trữ cá đồng, cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên các hộ gia đình tận dụng thời gian nhàn rỗi sau vụ lúa cùng tham gia mô hình nuôi trữ cá đồng trong mùa nước nổi. Sau khi thu hoạch các nguồn lợi thủy sản, các hộ tham gia vào mô hình được chia đều nguồn thu nhập”.
Mùa nước nổi năm 2023, với diện tích 100ha, các hộ gia đình thu hoạch hơn 10 tấn cá đồng các loại, sau khi trừ các khoảng chi phí, tổng số 65 thành viên trong Tổ nuôi trữ cá đồng có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi trữ cá đồng sau vụ lúa là hướng đi hiệu quả, mang lại sinh kế bền vững và nguồn thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình trong mùa nước nổi.
DƯƠNG CẦM