Cô Nguyễn Thị Quế Phương - giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học
Cập nhật ngày: 17/11/2014 13:33:33
Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH), cô Nguyễn Thị Quê Phương (SN 1978), Giảng viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp luôn chủ động, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều đề tài NCKH của cô được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Quế Phương (đứng giữa) hướng dẫn các sinh viên
trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm
Vốn xuất thân trong gia đình làm nghề nông nên từ nhỏ cô đã yêu thích công việc liên quan đến cây trồng. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô thi đậu ngành trồng trọt của Trường Đại học Cần Thơ. Cô theo học và tốt nghiệp năm 2003. Ngay sau đó, cô vừa đi làm vừa học tiếp cao học ngành trồng trọt. Năm 2006, cô về công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cho đến nay. Trong thời gian học đại học, cô đã đam mê, tham gia NCKH và đạt nhiều giải cao. Khi về công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, được lãnh đạo nhà trường quan tâm, khuyến khích nên cô mạnh dạn đăng ký và thực hiện nhiều đề tài NCKH. Một trong những đề tài lớn mà cô Quế Phương cùng các cộng sự thực hiện là “Thử nghiệm hiệu quả của canxi và đồng lên triệu chứng rễ tre trên quýt hồng tại huyện Lai Vung”. Công trình nghiên cứu này đã mang lại nhiều kết quả có ý nghĩa cho khoa học, đời sống và công tác đào tạo. Đặc biệt, kết quả công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn trồng quýt hồng, giúp hạn chế triệu chứng rễ tre và hiện tượng rụng trái trên cây quýt hồng; vỏ trái có màu sắc tươi đẹp, không bị răn nứt, bán được giá cao. Ngoài ra, cô còn có nhiều đề tài NCKH lớn, nhỏ khác được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và giảng dạy như: “Tại sao việc phòng trị bệnh thán thư trái ớt của nông dân tại huyện Thanh Bình không đạt hiệu quả?”; “Một số bệnh hại trên lá khoai môn”... và nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy: “Tạo bào tử nấm Phytopthora sp - làm tiêu bản và cách quản lý sinh viên trong giờ thực hành môn học Bệnh cây”; “Bổ sung bài tập thực tiễn trong môn học Thống kê và Phương pháp thí nghiệm”. Cô còn thực hiện viết bài giảng dùng chung 2 môn là “Bệnh cây đại cương”, “Thống kê và phương pháp thí nghiệm” dành cho sinh viên ngành bảo vệ thực vật.
Cô luôn đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như sử dụng giáo án điện tử; tổ chức dạy học theo tình huống; tham quan thực tế địa bàn sản xuất... Ứng dụng những kết quả thực tế từ NCKH vào giảng dạy, tạo sự lôi cuốn cho sinh viên. Theo cô Nguyễn Thị Quế Phương, việc NCKH khá cực nhưng muốn làm được thì phải đam mê. Trong những đề tài khoa học của mình, cô thích nhất là những đề tài liên quan đến bệnh của cây trồng. Ngoài việc tìm hiểu, nghiên cứu những đề tài khác, thời gian tới, cô sẽ tiếp tục gợi ý và khuyến khích sinh viên đăng ký đề tài NCKH.
NHỰT AN