Củng cố hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông
Cập nhật ngày: 08/04/2015 13:48:55
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thời gian qua, những diễn biến từ phía các em học sinh (HS) qua các hành vi đánh nhau, chửi thề, vô cảm trước cái xấu, cổ động cho hành vi xấu là điều đáng lo ngại. Nếu được chia sẻ, giải quyết sớm những vấn đề này sẽ không dẫn đến những hành vi thiếu kiềm chế. Năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT củng cố lại mô hình “Phòng tư vấn tâm lý học đường” (TVTLHĐ) tại tất cả các điểm trường THCS, THPT trong toàn tỉnh.
Học sinh được tư vấn sức khỏe tại điểm trường THPT
Hiện nay, một số điểm trường như THPT thành phố Cao Lãnh, THPT Lấp Vò II, THPT Lấp Vò III, THPT Cao Lãnh 2... có những mô hình gắn kết với HS, đây là nơi để các em chia sẻ, đặt câu hỏi nhờ giáo viên (GV) tư vấn, hướng dẫn. Các mô hình góp phần giải đáp tâm tư, trăn trở, giữ gìn an ninh trật tự trong nhà trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nghỉ học, HS đánh nhau... Tuy nhiên, thực tế, các mô hình hoạt động vẫn chưa mang đặc thù riêng, chưa hát huy hiệu quả tích cực. Do vậy việc củng cố hoạt động của Phòng TVTLHĐ hiện nay là điều cần thiết.
Theo chức năng, Phòng TVTLHĐ sẽ đảm nhiệm tư vấn học tập và định hướng nghề nghiệp; tư vấn tình cảm; sức khỏe sinh sản; tư vấn về các hoạt động thể thao, giải trí; các hoạt động tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng, tư vấn kỹ năng sống... Hiện nay, hoạt động của các phòng, tổ TVTLHĐ chỉ dừng lại ở việc tư vấn học tập và định hướng nghề nghiệp, tư vấn cho đối tượng HS ngoan là chủ yếu. Nguyên nhân do các trường không có biên chế, GV tư vấn chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản; GV làm công tác TVTLHĐ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Ở lứa tuổi HS, các em rất ngại chia sẻ, nên chưa chủ động, thường ngại tư vấn tâm lý để “trút nỗi lòng” do có suy nghĩ tư vấn tâm lý là có “vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Mỗi khi gặp sự cố tâm lý mà không biết cách giải quyết, các em thường tự chịu đựng hoặc chia sẻ với bạn thân chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy, cô giáo. Phần lớn hoạt động của các phòng TVTLHĐ của các trường hiện chỉ dừng lại ở hình thức tham vấn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của HS, phụ huynh riêng lẻ chứ chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý học đường thật sự chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, ở một số trường THPT, HS thường gắn kết với các hoạt động của văn phòng Đoàn, GV giảng dạy môn Giáo dục công dân. Ông Vưu Công Sơn - Phó phòng Công tác HS - Giáo dục Quốc phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Cần nhìn nhận TVTLHĐ không nhất thiết phải đợi “có vấn đề” thì mới bắt tay vào; các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giáo dục đạo đức cho các em... cũng là một cách tư vấn rất tốt. Phải củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ TVTLHĐ trong các đơn vị trường học. Tập trung thực hiện tư vấn các nội dung như: Tư vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tâm lý gia đình, tâm lý học nghề và những vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt, kỹ năng sống...”.
Để tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS. Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng các phòng tư vấn tâm lý có không gian riêng, kín đáo, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho HS; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng thế mạnh Internet và xây dựng các tài liệu phù hợp với cấp học trong việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý; nhân rộng mô hình hoạt động “Ống kính học đường” của đơn vị THPT Lấp Vò 3 đến tất cả các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Vận động, phối hợp tổ chức thành lập Câu lạc bộ TVTLHĐ cấp tỉnh gồm tất cả các phòng, ban của Sở GD&ĐT; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo vệ trẻ em); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Ban Thanh thiếu niên trường học); Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh; Hội Cựu giáo chức. Đồng thời, chỉ đạo Ban giám hiệu các trường quan tâm tổ chức một số hoạt động lớn như nói chuyện chuyên đề, tổ chức ngoại khóa... Trong quá trình tư vấn, giáo viên tư vấn cần tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là phụ huynh HS cũng như những người bên cạnh các em. Việc tư vấn muốn có hiệu quả cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các GV tư vấn tâm lý với mọi người, đặc biệt là cha mẹ, bạn bè, những người xung quanh... là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để phát hiện “vấn đề” , bảo vệ HS khỏi những tổn thương không đáng có.
C.PHƯƠNG