Đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới - Cần tuyên truyền sâu rộng hơn

Cập nhật ngày: 19/11/2014 13:27:20

Từ ngày 15/10/2014, Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) Tiểu học có hiệu lực. Cách đánh giá mới này sẽ thay thế phương pháp đánh giá HS bằng điểm số như trước đây.


Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An trong giờ thể dục

Đánh giá HS bằng điểm số đã trở thành một thói quen đối với nhiều thế hệ giáo viên (GV), HS, phụ huynh (PH). Khi con tan trường về, nhiều PH rất quan tâm đến điểm số của các em. Nếu điểm cao thì không nói gì, nhưng điểm thấp thì PH rất lo lắng, tìm cách cải thiện kết quả học tập của con. Điều này vô tình tạo áp lực cho HS, nhiều em rất ngại nói về điểm số, nhất là những em học không giỏi. Em Vương Quốc Thái - HS lớp 5/1, Trường Tiểu học Chu Văn An, phường 2, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Hôm nào đạt điểm không cao em rất sợ bị ba la, vì vậy em rất cố gắng học để không bị điểm thấp...”. Nỗi lo sợ của em Thái không còn, khi vào tháng 10/2014 thầy của em không chấm điểm mà chỉ ghi nhận xét: giỏi, tốt, đạt, chưa đạt, cần cố gắng,... vào tập của em. Em Thái cho biết thêm: “Con rất thích nhận xét thay thế điểm số vì khi về nhà không phải sợ ba mẹ hỏi về điểm số nữa. Trong lớp, con học tập cũng thoải mái hơn vì các bạn cũng không khoe điểm với nhau”.

Nếu như những HS học lực trung bình, yếu thích giáo viên nhận xét hơn cho điểm thì những HS giỏi lại muốn GV cho điểm. Em Đỗ Hồng Ngọc - HS lớp 5/1, Trường Tiểu học Chu Văn An nói: “Giờ em không có điểm 10 để về khoe với ba mẹ, vì thầy cô chỉ nhận xét tốt, chưa tốt nên em cũng chưa quen lắm với cách nhận xét mới này...”.

Theo quy định của Thông tư 30, GV phải thực hiện những công việc như nhận xét bằng lời nói trực tiếp với HS, hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của HS những kết quả đã làm được, chưa được, quan tâm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ HS, áp dụng các biện pháp để kịp thời giúp đỡ HS vượt qua khó khăn. Hàng tuần, GV lưu ý đến những HS có nhiệm vụ chưa hoàn thành, giúp đỡ kịp thời để HS biết cách hoàn thành. Khi nhận xét, GV cần đặc biệt quan tâm, động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi giúp HS tự tin vươn lên...

Thầy Tô Ngọc Sơn - GV Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: “Theo tôi thì phương pháp đánh giá đòi hỏi GV quan tâm đến HS nhiều hơn; HS sẽ bớt áp lực điểm số, tự tin hơn khi phát biểu, bày tỏ suy nghĩ của mình. Bản thân tôi cũng giảm bớt áp lực về việc PH hỏi thăm tình hình học tập, thắc mắc điểm số của con em...”.

Anh Lê Hoàng Đen ngụ phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh cho biết: “Thầy cô nhận xét chung chung quá nên tôi không biết con tôi học dở, giỏi môn nào, tôi phải xem bài vở của con nên mất thời gian hơn trước. Theo tôi, khi nhận xét, GV ghi rõ HS yếu điểm gì để PH có hướng bồi dưỡng...”.

Giảm áp lực điểm số, đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho HS khi đến lớp, hạn chế tình trạng cho điểm không công bằng. Tuy nhiên, đây là cách làm mới, cần được tuyên truyền sâu rộng để PH biết, phối hợp tích cực với nhà trường, GV trong việc đánh giá, bồi dưỡng, giúp đỡ HS.

Do mới thực hiện nên Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả GV phải quan tâm đánh giá tất cả HS, không được quên em nào; nhà trường chủ động giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ để hỗ trợ GV dành thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên HS hoàn thành nội dung học tập;...

C.Phương

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn