Đổi mới ở trường sư phạm gắn bó chặt chẽ và đi trước một bước đối với đổi mới giáo dục phổ thông

Cập nhật ngày: 12/08/2015 12:50:39

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPT) để xin ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội, trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức, làm căn cứ xây dựng chương trình môn học. Dự thảo này vạch ra phương hướng và kế hoạch khái quát toàn bộ CTGDPT. Dự kiến, từ năm học 2018 - 2019, sẽ triển khai áp dụng CTGDPT và sách giáo khoa (SGK) mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, THCS và THPT; bắt đầu từ các lớp: 1, 6 và 10. Trước thực tiễn này, với sứ mệnh của mình, các trường sư phạm (SP) phải chủ động đổi mới trước một bước, đồng thời gắn bó chặt chẽ với đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT).


Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được xác định là giải pháp then chốt của sự nghiệp đổi mới giáo dục

Theo ý kiến của nhiều nhà giáo, dự thảo CTGDPT mới đã khắc phục được một số hạn chế của CTGDPT hiện hành; đồng thời có tính xuyên suốt, liên thông giữa các cấp học và mang tính tích hợp giữa các môn học. Đưa thực tiễn vào giáo dục, CTGDPT đã đáp ứng được một phần việc quan trọng của yêu cầu đổi mới. Điểm đổi mới căn bản được xác định là mục tiêu của CTGDPT mới nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi học sinh, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. Vì vậy, kế hoạch trọng tâm của các trường SP là phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để đào tạo nên đội ngũ giáo viên phổ thông có những phẩm chất và năng lực nghề nghiệp vừa đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới, vừa có thể ứng phó linh hoạt trước sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống, của khoa học kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu phát triển chương trình của các giai đoạn với các cấp độ khác nhau.

Với vai trò là “cỗ máy cái”, các trường SP đã và đang chuyển đổi, phát triển chương trình đào tạo theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học đến kiểm tra đánh giá, quản lý việc dạy và học... có chú ý đến đặc điểm và yêu cầu của 2 giai đoạn trong GDPT để xác định được nội dung, phương thức đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, các trường SP phải gánh vác trọng tráchđào tạo thành công một đội ngũ giáo viên mới vừa có năng lực dạy học tích hợp, vừa có năng lực dạy học phân hóa, cùng với năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường phổ thông. “Dạy phương pháp dạy học mới cho sinh viên SP” được xác định là khâu đột phá của các trường đào tạo giáo viên, song hành với nhiệm vụ góp phần hình thành, phát triển năng lực chung và năng lực chuyên biệt của “kỹ sư tâm hồn trong tương lai”, đó là: năng lực giao tiếp, năng lực công nghệ thông tin – truyền thông, năng lực thích ứng và hợp tác, năng lực phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tự học và tự bồi dưỡng liên tục, năng lực xúc cảm thẩm mĩ – nhân văn...

Là 1 trong 8 trường đại học đào tạo giáo viên trọng điểm của cả nước được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tham gia biên soạn chương trình và SGK mới, Trường Đại học Đồng Tháp đã chủ động nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục các cấp học gắn liền với hoạt động phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, bảo đảm tính hiện đại và thực tiễn, đón đầu đổi mới CTGDPT. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng chương trình, biên soạn SGK GDPT và các tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học và hoạt động giáo dục, viết tài liệu bồi dưỡng và tham gia trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngoài ra, trường còn chủ động phối hợp các trường phổ thông tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong giáo dục, trong thực hiện CTGDPT mới để cùng giải quyết, thông qua hoạt động này để phát triển năng lực nghề nghiệp cho cả giảng viên SP và giáo viên phổ thông, đồng thời trực tiếp tham gia thực nghiệm, sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình triển khai CTGDPT mới. Trước mắt, trong năm học 2015 – 2016, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển SP, triển khai quy định giảng viên SP phải trực tiếp tham gia các hoạt động kiến tập, thực tập SP cùng với sinh viên ở các trường phổ thông.

Nguyễn Văn Nghiêm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn