Học sinh lớp 12 cần lưu ý nhiều nội dung quan trọng của quy chế thi THPT quốc gia

Cập nhật ngày: 04/03/2015 13:54:07

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa chính thức ban hành quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, bắt đầu thực hiện từ kỳ thi năm 2015 sắp tới. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với hai mục đích: lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Học sinh lớp 12 (thí sinh) cần lưu ý nhiều nội dung quan trọng của quy chế thi mới để thực hiện đúng và chu đáo, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân.

Các đội hình sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi năm 2015 của Trường Đại học Đồng Tháp đã sẵn sàng

Thí sinh lưu ý, thi THPT quốc gia có 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ, hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh dự thi 4 môn quy định và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Về đề thi, theo Bộ GD&ĐT, tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung một đề thi cho mỗi môn.

Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà thí sinh nên đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Cần lưu ý là các thí sinh có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả, vừa để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm 4 bài thi mà thí sinh đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Chỉ cần thí sinh không bị điểm liệt (1 điểm) của các môn thi dùng để xét tốt nghiệp và đạt điểm trung bình từ 5,0 điểm trở lên (theo công thức tính trong quy chế thi THPT quốc gia 2015) thì thí sinh sẽ được công nhận tốt nghiệp.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ngày bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia dự kiến là ngày 15/3. Qui chế thi THPT quốc gia chỉ qui định ngày kết thúc đăng ký thi là 30/4 hàng năm. Lịch nộp hồ sơ đăng ký dự thi (và kể cả chọn môn thi) sẽ được thông báo chính thức trong thời gian tới. Sau khi có kết quả thi (dự kiến vào cuối tháng 7 đầu tháng 8), thí sinh sẽ dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của các trường ĐH, CĐ.

Theo các chuyên gia tư vấn, thí sinh cần đọc kỹ quy chế thi và cẩn trọng khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó lưu ý thêm các nội dung về điểm ưu tiên, khuyến khích... Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức một cụm thi tại Đồng Tháp cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ của 2 tỉnh: Đồng Tháp và Long An, do Trường Đại học Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với 2 Sở GD&ĐT: Đồng Tháp và Long An.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM (Tổng hợp)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn