Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cho người dân

Cập nhật ngày: 12/09/2012 07:37:53

Học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân. Toàn tỉnh hiện có 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), trong đó có 1 Trung tâm GDTX - KTHN tỉnh, 11 Trung tâm GDTX cấp huyện cùng 144 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (TTVH - HTCĐ).


Một lớp học nghề

Hoạt động của GDTX thời gian qua đã phần nào đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, góp phần giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục THCS... Chất lượng giáo dục cũng có bước tiến bộ. Tuy nhiên, hiện đội ngũ cán bộ, giáo viên GDTX chưa đủ mạnh, cơ sở vật chất các trung tâm GDTX còn thiếu nhiều; thiết bị đồ dùng dạy học ban đầu chưa được đầu tư, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học, nhất là các lớp bổ túc THPT nên chưa thực sự thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THCS...

Để phát triển GDTX, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, từng bước hình thành xã hội học tập, đồng thời giải quyết tốt điều kiện học tập của học sinh sau khi phân luồng THCS, duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng GDTX tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2012 - 2015. Kế hoạch nhằm củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng hoạt động bổ túc văn hóa, phổ cập giáo dục và thực hiện tốt công tác phân luồng; tăng cường quản lý hoạt động TTVH - HTCĐ.

Chỉ tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học tại các thị trấn, thị xã, thành phố; tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 đạt 99,7%; tỷ lệ học viên lên lớp đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt từ 80% trở lên; 100% Trung tâm GDTX và Trung tâm Dạy nghề, Trường trung cấp Nghề huy động từ 80% trở lên học sinh sau khi phân luồng vào học hệ GDTX và học nghề. Thực hiện sáp nhập Trung tâm GDTX với Trung tâm Dạy nghề huyện, thị, thành phố và các Trường trung cấp Nghề thành “Trung tâm GDTX - dạy nghề” thực hiện 3 nhiệm vụ giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề...

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đề ra giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh việc mở các lớp dạy chương trình GDTX trong trường THPT ở những nơi có điều kiện và nhu cầu của học sinh; tăng cường tuyên truyền, tư vấn phụ huynh và học sinh trong việc dự học lớp GDTX trong trường phổ thông; thực hiện tốt chế độ chính sách, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy; tăng cường hoạt động bổ túc văn hóa tại các Trung tâm GDTX trong đó có việc tăng nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS; tăng cường hoạt động của các TTVH - HTCĐ 100% hoạt động có hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của quần chúng nhân dân.

C.Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn