Thi quốc gia năm 2015: Thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn
Cập nhật ngày: 09/09/2014 15:34:00
Chiều nay 9/9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố quyết định về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo nguồn tin của PV Dân trí, Bộ sẽ chọn phương án tổ chức thi bốn môn tối thiểu, trong đó toán, văn, ngoại ngữ là ba môn bắt buộc và 1 môn do thí sinh tự chọn.
Thi quốc gia năm 2015: Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Lựa chọn môn thi để thay thế môn Ngoại ngữ
Một trong những đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức thi là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Cụ thể, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn(gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của Kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường;
Với những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi mônNgoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Có 4 mức độ trong đề thi
Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó để bắt đầu từ năm 2017sẽ có một số bài thi tích hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia.
Điểm thi của thí sinh trong Kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; do vậy, thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia.
Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH.
Coi thi, chấm thi theo cụm thi
Về tổ chức thi, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung.
Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT. Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các Cụm thi tại địa phương do các Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ; còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các Cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các Cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD-ĐT.
Tăng cường giảng viên đại học, cao đẳng tham gia tổ chức thi
Để đảm bảo tính nghiêm túc và tính chính xác, khách quan, độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi theo các cụm thi tập trung ở các trường ĐH, CĐ và các trường THPT tại các tỉnh/thành phố, thị xã, thị trấn; bố trí các cụm chấm thi theo vùng, miền. Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GDĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.
Bên cạnh đó, đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cùng với việc phát huy vài trò trách nhiệm của CB, GV tham gia kỳ thi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi.
Công tác thanh tra sẽ được tăng cường đối để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nặng đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi của cán bộ, GV và thí sinh.
Với những nội dung điều chỉnh đã nêu trong phương án, sẽ có một số vấn đề kỹ thuật của kỳ thi cần phải chủ động giải quyết. Quan điểm là Bộ, Sở, nhà trường chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kỳ thi, dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Cụ thể là Bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, việc ra đề thi sẽ vẫn do Bộ đảm nhận, sẽ xây dựng phần mềm quản lý thi THPT quốc gia dùng chung cho cả nước.
Công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì.
Tăng cường đề thi mở
Theo Bộ GD-ĐT, để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức Kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 29, trong quá trình xây dựng Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, cùng với khảo sát đánh giá đúng hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua, Bộ GDĐT đã tham khảo sâu rộng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này từ mô hình tổ chức thi, quy trình thực hiện, cách thức sử dụng kết quả (Một số nước điển hình như: Hoa Kỳ, LB Nga, Phần Lan, Pháp, Áo,Ai len, NhậtBản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc...).
Bên cạnh đó, dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi quốc gia đã được tham khảo ý kiến của các lãnh đạo sở GDĐT, các trường ĐH, các chuyên gia, các phóng viên báo chí trước khi hoàn thiện dự thảo và công bố để xin ý kiến rộng rãi.
Từ thực tiễn, bám sát tư tưởng chỉ đạo nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các văn bản pháp luật đã ban hành, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm những năm qua và tham khảo kinh nghiệm quốc tế,tham khảo ý kiến rộng rãi của công luận, Bộ GDĐT xây dựng phương án tổ chức kỳ thi.
Bộ GDĐT đã tham khảo ý kiến trên diện rộng với các nhóm đối tượng chính gồm: Giám đốc các sở GD-ĐT, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Cán bộ chuyên trách Phòng Khảo thí và lãnh đạo các sở GDĐT; Các trường ĐH, CĐ; Giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh các trường THPT trong cả nước; và một số chuyên gia, phóng viên báo chí. |
Hồng Hạnh/Dân trí