Trường Tiểu học Lý Tự Trọng
Thực hiện mô hình trường học mới
Cập nhật ngày: 18/09/2013 04:22:00
Lấy người học làm trung tâm, mọi hoạt động dạy - học đều tập trung theo nhóm. Đó là hình thức dạy học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu triển khai tại 1.447 trường Tiểu học trên 7 tỉnh, thành trong cả nước (giai đoạn 2012-2015). Ở tỉnh Đồng Tháp, mô hình này được thí điểm tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng - thành phố Cao Lãnh (TPCL).
Đến Trường Tiểu học Lý Tự Trọng trong những ngày đầu năm học 2013-2014, vào các lớp 2,3 và 4 sẽ thấy không khí học tập khác hẳn. Điều dễ nhận thấy nhất là việc bố trí bàn học theo hình chữ u, chữ nhật chứ không phải hàng dọc, học sinh chia nhóm ngồi xung quanh, mỗi nhóm chỉ 5-6 em. Sách giáo khoa rất tiện dụng được gọi là 3 trong 1, tức vừa giảng dạy, vừa học và phụ huynh cũng được tham khảo, đặc biệt là sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp miễn phí chỉ lưu hành nội bộ, khi học xong học sinh để lại lớp học không được mang về.
Ngoài ra, lớp học được trang trí rất đẹp, có tủ sách, trong đó lưu sách giáo khoa, truyện tranh, báo nhi đồng để các em đọc, giải trí sau giờ học căng thẳng. Bên trên tường dán và treo đồ dùng học tập theo chủ đề, chủ điểm trong tuần.
Với mô hình này học sinh sử dụng tài liệu, đồ dùng, đọc tên tài liệu, ghi tựa bài, tìm hiểu mục tiêu tiết học, hoạt động theo chỉ dẫn của giáo viên, tự báo cáo kết quả, sĩ số học sinh với thầy cô, thực hành cá nhân rồi cùng trao đổi, chia sẻ với nhau, tự đánh giá. Riêng đối với giáo viên thì hạn chế hướng dẫn chung mà thay vào đó làm việc với từng nhóm và thực hiện giảng dạy theo 5 bước: tạo hứng thú cho học sinh, tổ chức cho học sinh trải nghiệm, phân tích khám phá, rút ra kiến thức mới, thực hành, củng cố bài học và ứng dụng thực hành, hạn chế ghi chép.
Ngoài ra, mỗi lớp thành lập một hội đồng tự quản, có chủ tịch và hai phó chủ tịch. Trong đó có các ban học tập, văn nghệ, vệ sinh, đối ngoại do chính các em ứng cử và bầu chọn, giúp đỡ học sinh yếu thành trung bình, khá hơn. Sau một tiết học là phần trò chơi tại chỗ. Tuy còn mới mẻ nhưng đã dần hình thành thói quen tự học, tự trao đổi, chia sẻ của học sinh và quan trọng là những học sinh rụt rè, nhút nhát từng bước tự tin hơn và mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em.
Theo cô Trần Thị Loan - chủ nhiệm lớp 3/1 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, trước khi thực hiện mô hình trường học mới này cô được Bộ Giáo dục-Đào tạo tập huấn rất kỹ, nhưng chưa được giao lưu, học hỏi trải nghiệm từ các trường bạn nên lúc đầu còn lúng túng, phụ huynh cũng lo sợ con mình theo không kịp, bởi học sinh phải tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức nhưng với sự nỗ lực của thầy và trò cùng với sự chung tay của phụ huynh, những khó khăn ban đầu dần khắc phục, chất lượng học tập của học sinh nâng lên rõ rệt trong năm học qua, cuối năm lớp học cô dạy trên 90% học sinh đạt loại khá, giỏi.
Tính tích cực của mô hình này là trong lớp học mở nhiều hộp thư vui như: "Điều em muốn nói", "Bè bạn", "Khách tham quan". Những em cần tìm hiểu hay muốn chia sẻ điều gì trong học tập, cuộc sống chưa tiện trao đổi thẳng với thầy, cô, bạn bè hay mời bạn sinh nhật, vui chơi thì bày tỏ trong hộp thư. Cuối mỗi buổi học cô giáo mở ra và tùy theo nội dung của thư sẽ có cách giải quyết.
Qua 1 năm triển khai thực hiện mô hình Trường học mới, các giáo viên và em học sinh đã thích nghi với môi trường học tập này và mô hình đã đạt được hiệu quả cao. Ông Tạ Đăng Văn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp cho biết: Thời gian tới sẽ nhân rộng thêm 40 trường nữa, sẽ đề nghị Bộ giáo dục - Đào tạo tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy và học như: máy vi tính, máy photo, tivi, đồ dùng học tập, mỗi học sinh một bàn, ghế để tiện xoay trở khi học. Đây là mô hình học tập hiện đại, thiết thực, giúp cho học sinh phát triển toàn diện, làm nền tảng cho việc thay sách giáo khoa Tiểu học dự kiến trong năm học 2016-2017.
Phương Nga