“Biệt đội” cứu hộ giao thông của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”
Cập nhật ngày: 29/07/2024 20:04:10
Suốt 2 năm nay, hình ảnh đội cứu hộ giao thông, với chiếc túi đựng các dụng cụ sửa xe, rong ruổi trên những cung đường để hỗ trợ những trường hợp xe bị sự cố đã trở nên quen thuộc với người dân huyện Lai Vung. Đó chính là “Biệt đội” cứu hộ giao thông của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” xã Tân Hòa.
Ông Võ Anh Hào triển khai một số nội dung trước khi bắt đầu công việc cứu hộ
Người lính “Cụ Hồ” hết lòng vì cộng đồng
Trong một buổi chiều của ngày cuối tháng 7, tôi có dịp gặp gỡ với các thành viên của đội để nghe họ sẻ chia về hành trình làm việc “nghĩa” của mình.
Đúng 18 giờ 30 phút, tôi có mặt tại cổng Trường Trung học phổ thông Lai Vung 2. Đón tôi bằng nụ cười tươi tắn, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc điểm bạc, đó là ông Võ Anh Hào - Đội trưởng Đội cứu hộ giao thông đường bộ xã Tân Hòa (huyện Lai Vung). Ông Hào nhanh chóng mời tôi vào một quán nước cạnh đó, hỏi ra mới biết đây là nơi tập hợp các anh, em trong đội trước khi bắt đầu đêm cứu hộ giao thông.
Ông Võ Anh Hào chia sẻ, chứng kiến người đi đường, đặc biệt nhất là trong đêm khuya mà xe bị các sự cố ngoài ý muốn như: Hết xăng, chết máy, thủng lốp... phải dắt bộ quãng đường dài thấy rất thương, từ đó Đội cứu hộ giao thông xã Tân Hòa được ra đời. Đến nay, đội đã thành lập được hơn 02 năm, ban đầu có 09 thành viên và hiện đã tăng lên 11 người. Đội không chỉ có những người cựu chiến binh mà còn có các thanh niên ở địa phương, có chung chí hướng giúp người gặp nạn.
Là người lính Cụ Hồ khi kết thúc thời gian trong quân ngũ trở về địa phương, luôn hun đúc mình phải tiếp tục cống hiến cho quê hương, dù là việc làm nhỏ nhưng hễ có ích thì mình sẽ làm. “Tôi luôn tâm đắc lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tôi tâm niệm rằng, chỉ cần mình còn sức khỏe thì sẽ cố gắng cống hiến cho địa phương và giúp đỡ nhiều hơn nữa, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương” – ông Hào bộc bạch.
Đội hoạt động vào tối thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần (từ 19 giờ đến 5 giờ), các thành viên đội sẽ rong ruổi trên những con đường vắng tại địa phương và các xã lân cận. Hơn 2 năm đội đã hỗ trợ trên 100 trường hợp gặp sự cố như: Xe thủng lốp, hết xăng, chết máy...
Ông Võ Thanh Tùng – Đội phó Đội cứu hộ kiểm tra các đồ nghề cho chuyến đi
Thành viên của đội có những người làm thợ sửa xe, chạy xe ba gác, làm nông hay mua bán nhỏ. Mỗi người một công việc và hoàn cảnh khác nhau, nhưng hết giờ làm công việc chính ban ngày thì buổi tối lại tập hợp để tham gia cứu hộ giao thông. “Để việc cứu hộ đạt hiệu quả, các thành viên tự tìm hiểu cách sửa chữa, thay ruột xe. May mắn trong đội có thành viên cũng là thợ sửa xe nên các anh em nhanh chóng biết được cách để hỗ trợ cho bà con nhanh và bài bản hơn” – ông Võ Anh Hào kể.
Thông thường, Đội thường tập hợp vào lúc 19 giờ thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần. Ông Hào bảo rằng: “Khó khăn thì nhiều! Giai đoạn đầu anh em đều phải tự túc, đóng góp cho hoạt động cứu hộ của đội từ vật dụng, xăng xe... Về sau cũng có người hỗ trợ kinh phí nhưng đội chỉ nhận xăng hay ruột xe để giúp cho bà con”.
Đúng 19 giờ 30 phút đội xuất phát đi cứu hộ giao thông
Sự “tử tế” được lan tỏa…
Dù không một đồng lương hay thù lao nhưng các thành viên đều nhiệt tình, vui vẻ và tình nguyện duy trì công việc cứu hộ đầy ý nghĩa này. Anh Lê Chí Thân cho biết, thấy việc làm ý nghĩa, anh đã xin vào đội góp sức; dù việc làm nhỏ thôi nhưng giúp được người đi đường về đến nhà bình an là anh thấy rất vui.
Tương tự, anh Trần Thiện Nhơn, làm nghề buôn bán nhỏ, khi biết được việc làm ý nghĩa của Đội nên đã ngỏ lời tham gia. Đối với anh, việc làm của Đội không hề đơn giản và không phải ai cũng có thể làm được nếu không làm bằng cái tâm và sự sẻ chia cho cộng đồng. Đặc biệt, thấy tấm lòng của các chú cựu chiến binh, là người trẻ như tôi càng thôi thúc mình phải tham gia cùng các chú trên hành trình làm việc “nghĩa” này – anh Nhơn nói.
Sau khi họp nhanh khoảng 15 phút, các thành viên chuẩn bị xăng, ruột xe, kiểm tra dụng cụ và đồ nghề cho chuyến đi hỗ trợ giao thông. Đúng 19 giờ 30 phút, đội xuất phát, hành trình của đội tại các tuyến đường giao thông nông thôn vắng, thưa nhà dân.
Đang rong ruổi chạy trên đường, đội thấy một người đàn ông đang dắt xe ven đường, các thành viên của Đội nhanh chóng dừng lại hỏi thăm tình hình. Được biết, người đàn ông tên là Dương Đình Chiến, do mấy ngày nay trời mưa nhiều nên phải đi bơm nước rút cho ruộng trồng hoa huệ để tránh bị úng. Làm xong việc, chạy xe về nhà được một đoạn lại tắt máy nên phải dắt bộ đoạn khá xa, chưa thấy tiệm sửa xe nào – ông Chiến nói.
Các thành viên đội nhanh nhẹn hỗ trợ trường hợp xe hư của ông Dương Đình Chiến
Rồi không ai bảo ai, các anh mỗi người một việc. Người thì rọi đèn, người thì đề máy xe, người thì xem bugi... Sau vài phút, xác định được xe bị hư bugi. Chiếc bugi mới toanh được gắn trong chớp mắt, xe chạy lại bình thường.
Vừa sửa xong, ông Dương Đình Chiến hỏi: “Sửa hết bao nhiêu cho tôi gửi tiền lại các anh”. Chưa đợi ông Chiến dứt lời, ông Võ Thanh Tùng – Đội phó Đội cứu hộ nhanh miệng đáp: Sửa miễn phí chú ơi!
Ông Chiến bày tỏ, “Tôi biết đội cứu hộ này lâu rồi. Nhưng nay chính mình là người được giúp đỡ. Thấy Đội vừa hỗ trợ miễn phí mà lại rất nhiệt tình thì càng thấy việc làm này mang lại ý nghĩa rất lớn cho bà con, nhất là trong đêm tối như thế này. Không có đội chắc tôi phải dắt đoạn khá xa nữa, sẽ mệt lắm, cảm ơn các anh rất nhiều”.
Ông Võ Anh Hào còn cho biết thêm, có hôm trời mưa, 01 - 02 giờ sáng cũng chạy đi cho xăng hay vá xe cho người đi đường. Có khi phải chở cả người và xe về nhà. Vất vả là vậy, nhưng với các anh em trong Đội khi thấy giúp được người dân là lại có năng lượng tràn trề để tiếp tục công việc. Khi được hỏi sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào? ông Hào mỉm cười nói: “Mình còn sức là mình còn làm”.
Tiếp xúc với những con người ấy, chứng kiến cuộc sống, sự tận tâm của các thành viên trong Đội cứu hộ giao thông, đặc biệt với tâm lòng của những người cựu chiến binh mới thấy họ đã vất vả như thế nào để theo đuổi hành trình làm việc thiện của mình.
Với công việc đã làm, Đội đã nhận được nhiều khen thưởng, gần nhất là Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng có lẽ, sự khen thưởng lớn nhất với các thành viên chính là sự an toàn, niềm vui, cảm phục của người dân sau những lần lưu thông trên đường và đó cũng là động lực để Đội cứu hộ giao thông của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục hành trình tử tế của mình.
Việt Tiến