5 điều chưa thể lý giải bằng khoa học

Cập nhật ngày: 01/08/2014 04:45:00

Sự tồn tại của ma, quái vật bigfoot hay cảm giác Déjà Vu là những thắc mắc phổ biến của con người trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn chưa được khoa học phát triển giải thích rõ ràng.


Ảnh minh họa: Wikimedia Commons

1. Ngáp

Ngáp là một phản xạ vô điều kiện và phổ biến của con người và nhiều loại động vật, với biểu hiện thông thường là há miệng rộng và thở hơi ra thật dài. Phản xạ này còn có thể "lây truyền" từ người này sang người kia.

Nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh nguyên nhân và mục đích của hiện tượng ngáp ở người, tuy nhiên dường như chưa có nghiên cứu chuyên sâu mang tính khoa học. Một số giả thiết cho rằng, ngáp có thể giúp xoa dịu hoạt động quá tải của não bộ hay kiểm soát nhiệt độ của não, bằng cách tăng lượng máu lưu thông được truyền đến hàm, cổ, các xoang rồi sau đó loại bỏ nhiệt từ lượng máu này khi hít thở sâu. Tuy nhiên, phản xạ ngáp được cho là xuất hiện ít hơn vào thời tiết nóng, khi không khí ít có khả năng làm mát cơ thể.

Theo một giả thiết khác, ngáp có thể là một tín hiệu dấu hiệu đánh thức con người và giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Về sự lan truyền ngáp, các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là cách thể hiện sự thấu cảm giữa người với người. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại đưa ra kết luận trái ngược.

2. Ma

Theo kết quả khảo sát của CBS News năm 2005, 48% công dân Mỹ tin rằng ma có tồn tại, trong đó hầu hết phụ nữ đều tin vào điều này. Một phần năm trong số những người được phỏng vấn cho biết, họ từng nhìn thấy hoặc cảm thấy sự hiện diện của ma.

Các nhà khoa học hiện đại chưa từng nghiên cứu sâu về chủ đề này, tuy nhiên nhiều giả thiết gây tranh cãi về ma quỷ vẫn còn tồn tại đến nay. Hạ âm, loại âm thanh có tần số thấp hơn ngưỡng nghe thấy của con người, được cho là có thể gây nhiễu tầm nhìn và khiến nhiều người nghĩ rằng họ nhìn thấy thứ gì đó.

Sự xuất hiện hoặc tồn tại của ma đối với nhiều người có thể là do ảo giác, ảnh hưởng từ sự nhiễm độc carbon monoxide.

3. Déjà Vu

Déjà vu trong tiếng Pháp có nghĩa "đã nhìn thấy". Đây là cụm từ mô tả việc con người có cảm giác xa xăm, bí ẩn và khó tả về những sự kiện hay hình ảnh như từng chứng kiến hay nhìn thấy trước đây. Ví dụ, một phụ nữ bước chân vào toà nhà mà trước đó cô chưa từng đến, nhưng có cảm giác khung cảnh này quen thuộc một cách kỳ lạ.

Nguyên nhân hình thành Déjà vu vẫn là một bí ẩn, mặc dù có nhiều ý kiến được đưa ra nhằm giải thích cho hiện tượng này. Nhiều người cho rằng, Déjà vu là những hình ảnh về cuộc sống từ kiếp trước, hoặc liên quan đến trực giác và tâm lý của con người.

Trong một nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy một người đàn ông khỏe mạnh có thể trải qua hiện tượng Déjà vu khi người này uống thuốc để ngừa cúm. Déjà vu cũng có thể xuất hiện khi não bộ của người mã hóa không đúng cách một ký ức mới, hoặc không phản ứng khi thiết lập một cảm giác quen thuộc nào đó.

4. Bigfoot

Bigfoot là một sinh vật có nhiều tên gọi, ví dụ nó được gọi là Yeti khi được cho là xuất hiện ở dãy Himalaya, "người đàn ông hoang dã" ở Trung Á hay Yowie ở Australia. Mặc dù vậy, sự tồn tại thực sự của bigfoot vẫn là câu hỏi đối với giới khoa học.

Các bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của bigfoot chưa từng được thiết lập. Giới chuyên gia cũng chưa tìm thấy bằng chứng nào về răng hay xương của chúng, mà chỉ biết đến qua lời kể nhân chứng và những bức ảnh. Có giả thiết cho rằng, việc nhìn thấy của bigfoot thường liên quan đến các loài động vật to lớn, có thể dễ gây nhầm lẫn với người.

5. Hiệu ứng giả dược (placebo)

Hiệu ứng Placebo, có nghĩa là "tôi làm vui lòng", được bác sĩ áp dụng để tác động đến yếu tố tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Những viên thuốc giả chỉ chứa đường và không có hoạt động dược lý được sử dụng trong nghiên cứu y tế nhằm chứng minh thuốc trị liệu thực sự có hiệu quả hay không.

Tuy nhiên trên thực tế, hiệu ứng này có thể gây hoang mang hơn so với kỳ vọng ban đầu. Theo một số nghiên cứu gần đây, phương pháp này vẫn có tác dụng khi bệnh nhân được thông báo rằng họ chỉ đang uống thuốc giả. Một thử nghiệm khác cho thấy người được bôi kem giảm đau giả có cảm giác về hoạt động ít hơn ở vùng cảm nhận đau trong não bộ.

Việc xác định tính hiệu quả và quá trình tác động của phương pháp này để giảm đau, điều trị vết thương hay giúp bệnh nhân dễ ngủ hơn, hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nguồn: Linh Anh-VnExpress

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn