7 xác ướp trong hầm mộ nghìn năm
Cập nhật ngày: 21/12/2013 19:41:16
Các nhà khoa học Ba Lan mới đây khai quật một hầm mộ từ thời Trung cổ có niên đại 900 năm, chứa 7 xác ướp và các bức tường khắc chữ bí ẩn.
7 xác ướp được phát hiện ở trong hầm mộ. Ảnh: Live Science
Theo Live Science, hầm mộ được khai quật ở Old Dongola, một khu vực thuộc Sudan ngày nay. Nơi đây từng là thủ đô của Makuria, một vương quốc Kito giáo sống hòa bình với Ai Cập cách đây 900 năm.
Robert Mahler, một nhà khảo cổ học thuộc Đại học Warsaw, cho biết 7 xác ướp bên trong hầm mộ đều của những người đàn ông lớn tuổi, với độ tuổi trên 40. Trang phục của những người này phần lớn đều không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên theo chuyên gia của bảo tàng Wilanów Palace, Barbara Czaja-Szewczak, thì những người này trước đây ăn mặc khá đơn giản và chủ yếu mặc vải lanh.
Một trong 7 xác ướp được cho là của Tổng giám mục Georgios, một nhà lãnh đạo tôn giáo có thế lực nhất của vương quốc này. Theo dòng chữ ghi trên bia mộ của vị Tổng giám mục được tìm thấy ở gần khu vực khai quật, thì người đàn ông này qua đời năm 1.113 trước Công nguyên, ở tuổi 82.
Nhóm nghiên cứu cho biết, miệng của hầm mộ có thể đã được bịt kín bằng gạch đỏ và vữa xây, sau khi người cuối cùng được chôn cất. Các dòng chữ trên bức tường hầm mộ được ghi bằng mực đen, trên một lớp sơn mỏng, viết bằng tiếng Hy Lạp và Sahidic Coptic (tiếng Ai Cập cổ).
Bản khắc chữ gồm các đoạn trích trong một số cuốn kinh phúc âm của Luke, John, Mark và Matthew, cùng với các ký hiệu, tên người và một lời cầu kinh của Đức mẹ đồng trinh Maria. Theo dòng chữ khắc thì sau khi Đức mẹ đồng trinh Maria qua đời, bà đã lên thiên đàng cùng với Chúa Jesus.
Các dòng chữ này đều được viết bởi một người có tên là Ioannes. Căn cứ vào 3-4 chữ ký mà người này để lại trên các bức tường, nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là một hình thức để tránh tà ma hay ác quỷ theo quan niệm của người Trung cổ.
Hầm mộ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993, tuy nhiên không được khai quật cho đến năm 2009. Trong quá trình khai quật, xác ướp được chuyển ra ngoài để nghiên cứu, các bức tường đều được lau dọn sạch sẽ và những dòng văn bia được ghi lại để phục vụ cho các công trình nghiên cứu chi tiết.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết họ đang thu thập và tổng hợp các bản khắc trên những bức tường, dự kiến sẽ công bố trong một cuốn sách trong tương lai.
Nguồn: Thùy Linh-VnExpress