Băng dán giúp cảnh báo vết thương chưa lành
Cập nhật ngày: 07/11/2014 05:57:45
Một sản phẩm băng dán công nghệ cao mới có thể phát sáng để cảnh báo bác sĩ nếu vết thương chưa lành.
Băng dán công nghệ cao có thể phát sáng để cảnh báo vết thương chưa lành
Khi vết thương được che bởi một lớp băng dán thông thường, bác sĩ sẽ rất khó đánh giá vết thương tiến triển như thế nào nếu không thay băng thường xuyên. Điều này có thể khiến bệnh nhân đau đớn và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương.
Vấn đề trên có thể được giải quyết trong tương lai gần, sau khi các nhà khoa học tại bệnh viện Massachusetts và trường đại học Y Harvard (Mỹ) phát triển một loại băng dán công nghệ cao có khả năng thông báo cho bác sĩ và y tá tình trạng của vệ thương và không cần thay băng.
Loại băng dán mới chứa các phần tử phốt-pho nhỏ li ti được sử dụng để làm lớp sơn lân quang (thường được sử dụng trong những thiết bị phát quang vào ban đêm như mặt đồng hồ hay chữ phát quang trên áo). Phốt-pho hoạt động bằng cách hấp thụ ánh sáng và sau đó giải phóng từ từ trong một thời gian dài.
Các vết thương, vết loét và bỏng cần được cung cấp đủ ôxy để đẩy nhanh quá trình phát triển mô mới. Tuy nhiên, mạch máu mang ôxy tới vết thương thường cũng bị tổn thương. Điều này làm hạn chế lượng ôxy cung cấp cho vết thương.
Các phân tử phốt-pho trong băng dán phản hồi với sự thay đổi về mức độ ôxy trong vết thương. Nếu mức ôxy bình ổng định, băng dán vẫn bình thường. Nhưng thiếu ôxy đồng nghĩa các phân tử phốt-pho có nhiều năng lượng hơn và chúng bắt đầu phát sáng. Lượng ôxy càng thấp, băng dán càng phát sáng mạnh hơn.
Băng dán công nghệ cao đang được thử nghiệm ở quy mô lớn và có thể được bán trên thị trường trong vòng 2-3 năm tới. Các nhà khoa học hy vọng băng dán này cũng có thể được sử dụng để theo dõi tiến triển của các vết thương phức tạp như ghép da hay bỏng.
Đánh giá về sản phẩm băng dán công nghệ cao, giáo sư David Leaper tại trường đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Băng dán nhận biết ôxy là một ý tưởng tuyệt vời trong việc theo dõi các vết loét ở chân. Hiện đã có công nghệ đo ôxy, nhưng chúng rất cồng kềnh và đắt tiền.”
Hà Hương (vietnamnet.vn)