Cả thế giới chỉ còn 4 con tê giác trắng
Cập nhật ngày: 02/08/2015 06:20:55
Bị săn giết để lấy sừng, loài tê giác trắng phương bắc hiện đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng khi cả thế giới chỉ còn lại bốn con, trong đó con đực duy nhất đang được bảo vệ 24/24 giờ.
Tê giác Sudan đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya
Theo CNN ngày 30-7, trước đây thế giới còn năm con tê giác trắng phương bắc, tuy nhiên hiện chỉ còn lại bốn sau khi tê giác cái Nabire 31 tuổi qua đời do bệnh tật hồi đầu tuần này.
Thông cáo từ vườn thú CH Czech - nơi Nabire sinh sống, cho biết nó bị khối u lớn không thể chữa trị. Họ mô tả cái chết của nó là "mất mát khủng khiếp", cho thấy "sự sụt giảm bi thảm của loài tê giác do lòng tham vô nghĩa của con người".
Hiện tại "nhiệm vụ" sinh sản duy trì nòi giống loài tê giác trắng phương bắc đang được đặt lên vai tê giác đực Sudan, 42 tuổi, đang sống tại khu bảo tồn Ol Pejeta (Kenya) và ba con cái: Fatu và Najin - sống ở khu bảo tồn Ol Pejeta, và Nola - sống ở vườn thú San Diego (Mỹ).
Do là con đực duy nhất còn lại nên Sudan được bảo vệ rất nghiêm với đội bảo vệ có vũ trang canh chừng 24/24 giờ. Sừng của nó cũng được cưa để ngăn bọn săn trộm làm hại nó.
Bác sĩ thú y George Paul ở khu bảo tồn Ol Pejeta cho biết mấy năm trước Sudan có giao phối với hai con cái sống chung nhưng hai "đối tác" này không thụ thai. Hiện nó đã già yếu, không còn khả năng giao phối tự nhiên.
Ngoài ra số lượng tinh trùng của nó cũng giảm mạnh, do đó để duy trì nòi giống sư tử trắng phương bắc, các chuyên gia chỉ còn cách cho nó thụ tinh trong ống nghiệm và con cái thích hợp nhất cho việc này là Nola.
Giám đốc vườn thú CH Czech Premysl Rabas tuyên bố sẽ cùng với vườn thú San Diego và các bên liên quan nỗ lực hết sức để gây giống loài tê giác trắng phương bắc, mặc dù thừa nhận cơ hội của họ là "không lớn".
Cho rằng sừng tê giác có thể chữa bá bệnh, nhiều người châu Á lùng mua sừng tê giác, dẫn đến loài này bị săn giết không thương tiếc để lấy sừng. Tê giác có nhiều phân loài: tê giác đen, tê giác trắng... trong đó tê giác trắng gồm hai phân loài nhỏ: tê giác trắng phương bắc và tê giác trắng phương nam.
TTO