Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao: bạn có muốn?

Cập nhật ngày: 01/06/2016 05:53:30

Bạn có muốn chuyển sang mạng di động khác (vẫn giữ nguyên số thuê bao đang dùng) khi dịch vụ chuyển mạng giữ số có hiệu lực? Bạn có băn khoăn gì khi dịch vụ được cung cấp không?


Người dùng sẽ hào hứng với dịch vụ chuyển mạng giữ số? - Ảnh: Gia Tiến

Dù thời điểm cho chuyển mạng giữ số đến trước 31-12-2017 nhưng ngay từ bây giờ rất nhiều người dùng đã quan tâm đến những vấn đề liên quan khi dịch vụ có hiệu lực. Rất nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ chuyển mạng giữ số hiện vẫn còn rất nhiều thắc mắc do chưa có thông tin cụ thể rõ ràng.

Người băn khoăn

Chẳng hạn như các quy định về số lần chuyển mạng, khoảng cách tối thiểu giữa các lần chuyển, các thủ tục chuyển đổi, các loại phí nếu có, kỹ thuật đấu nối giữa các nhà mạng…

Anh Lê Ngọc Khoa (kỹ sư xây dựng) cho rằng: “nếu người dùng được chuyển đổi mạng nhưng vẫn giữ nguyên số thuê bao thì quá tốt. Tuy nhiên tôi lo ngại sự lộn xộn sẽ xảy ra ngay từ phía người dùng, chưa cần nói đến công tác quản lý của nhà mạng.

Chẳng hạn giờ tôi chỉ cần nhìn đầu số là biết của nhà mạng nào, sau này chuyển đổi, tôi và nhiều người dùng làm sao biết số nào đang sử dụng nhà mạng nào. Vậy làm sao để người dùng biết được số thuê bao đó có phải cùng mạng với mình hay không?”.

Nhiều người lại tỏ ra lo ngại các thủ tục mang tính “hành” là “chính” khi người dùng muốn đi chuyển mạng giữ số. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (giám đốc truyền thông) lại tỏ vẻ không kỳ vọng vào dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số bởi chị lo ngại các thủ tục rườm rà, mang tính “hành dân” có thể xuất hiện.

“Tôi không tin lắm ở chuyện các quy định và thủ tục cho chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đơn giản với người dùng di động. Vì vậy nếu sau này có cho chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao, tôi cũng sẽ không chuyển nếu chất lượng các nhà mạng vẫn sàng sàng như hiện nay”, chị Trang nhận định.

Người hào hứng

Nhiều người khi nghe đến chuyện cho chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đã tỏ ra rất hào hứng mong chờ dịch vụ sớm được thực thi. Họ lại chẳng mấy quan tâm đến những thứ rắc rối có thể phát sinh hay các thủ tục có thể gây phiền hà. Chị Nguyễn Mỹ Hoa (giáo viên) cho biết: “Tôi đang dùng mạng Vinaphone nhưng hầu hết nhiều bạn bè, người thân của tôi đều sử dụng các mạng khác. Tuy nhiên tôi đã dùng số Vinaphone 10 năm nay và đương nhiên không muốn mất nó.

Bản thân tôi cũng nhiều lúc muốn chuyển mạng để được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi hơn, thứ hai là cùng mạng với nhiều người tôi thường xuyên liên lạc để có cước phí tốt nhất. Do đó nếu cho phép thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số, tôi sẽ đi chuyển ngay lập tức”.

Còn với chị Ngọc Lan (nhân viên kinh doanh) thì nhà mạng nào cam kết không “khủng bố” tin nhắn quảng cáo đến người dùng là chị sẽ “yêu ngay”. Theo chị Lan: “giờ mạng nào cũng oải như nhau, hàng tháng người dùng vẫn trả tiền cước phí đắt đỏ mà vẫn bị ép nhận quảng cáo. Không chỉ quảng cáo từ nhà mạng mà tôi còn phải nhận quảng cáo của những kẻ ăn cắp thông tin tranh thủ quảng cáo dịch vụ nữa. Người ta xài mạng trả tiền chứ có miễn phí đâu mà bắt người ta nhận “bom” quảng cáo như vậy”.

Việc cho phép người dùng được lựa chọn nhà mạng trong khi vẫn giữ nguyên số thuê bao di động giúp họ không bị “trói chân” bởi bất kỳ một nhà mạng nào như hiện nay. Nếu người dùng thấy nhà mạng không phục vụ tốt, hoặc đơn giản là thấy nhà mạng khác phục vụ tốt hơn, họ hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng.

Điều này cũng buộc các nhà mạng phải chăm sóc khách hàng của mình tốt hơn nếu muốn giữ chân họ lâu dài. Qua đó tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng từ lớn đến nhỏ, phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia hiệp định TPP.

Nếu người dùng thấy nhà mạng không phục vụ tốt, hoặc đơn giản là thấy nhà mạng khác phục vụ tốt hơn, họ hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng (vẫn giữ nguyên số thuê bao đang dùng).

ĐỨC THIỆN (Theo TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn