Đã phát hiện những sai phạm ban đầu của TikTok Việt Nam

Cập nhật ngày: 06/06/2023 05:05:40

Bộ TT-TT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan để xử lý nghiêm hiện tượng một số bộ phim ngắn với nội dung giang hồ mạng trên YouTube quảng cáo website cờ bạc; tình trạng livestream quảng cáo ứng dụng khiêu dâm, cờ bạc trên nền tảng mạng xã hội.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì và phát biểu tại cuộc họp báo

Chiều 5/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, qua kết quả sơ bộ của đoàn kiểm tra, Bộ TT-TT đã phát hiện những sai phạm ban đầu của TikTok Việt Nam. Như vậy, những nhận định ban đầu của Bộ TT-TT về các vi phạm của nền tảng TikTok tại Việt Nam là có cơ sở; rất nhiều vi phạm.

Bên cạnh việc kiểm tra và phát hiện vi phạm, Bộ TT-TT cũng vừa gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng những người sáng tạo nội dung và những người có ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội, trong đó có nền tảng TikTok.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cuộc gặp này có hai mặt, đó là phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm, dù đó là sai phạm của nền tảng xuyên biên giới hay sai phạm của cá nhân, tổ chức; mặt khác là kêu gọi và cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật tới cộng đồng sáng tạo nội dung lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước.

Bởi họ có quyền nắm được các thông tin pháp luật để tuân thủ và thực hiện đúng, nhằm đóng góp tích cực tạo nên không gian nền tảng mạng xã hội lành mạnh, đồng thời góp phần lên tiếng để các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hiểu rằng, xu hướng lành mạnh, tuân thủ pháp luật là xu hướng lâu dài và giúp họ tồn tại, phát triển khi cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2023, Bộ TT-TT đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Cụ thể các vi phạm này, trong đó có việc TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Bên cạnh đó, TikTok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

* Liên quan công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp rà soát làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đang sở hữu nhiều sim (≥10 SIM/giấy tờ của tổ chức, cá nhân) nhằm bảo đảm tất cả các thuê bao do khách hàng là các tổ chức, cá nhân đã đăng ký, sở hữu là chính xác, đúng với đối tượng, mục đích sử dụng.

Từ tháng 4/2023, Bộ TT-TT cũng đã tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6-2023. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.

* Tại cuộc họp báo, Văn phòng Bộ TT-TT cho biết, tình trạng livestream quảng cáo ứng dụng khiêu dâm, cờ bạc trên nền tảng mạng xã hội ngày càng nở rộ và diễn ra một cách ngang nhiên trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, hiện tượng một số bộ phim ngắn với nội dung giang hồ mạng, công chiếu trên nền tảng YouTube và tình trạng các xe dịch vụ dán decal quảng cáo công khai cho website cờ bạc cũng đã được các cơ quan báo chí phản ánh và ghi nhận.

Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cảnh báo tới người dân. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT-TT cũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm hiện tượng này.

Đại diện Văn phòng Bộ TT-TT cho biết, hiện Bộ TT-TT đã và đang đấu tranh quyết liệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Trong thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2023, theo yêu cầu của Bộ TT-TT, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, đạt tỷ lệ 91%; Google đã gỡ 1.901 video vi phạm trên YouTube, đạt tỷ lệ 94%; và TikTok đã chặn, gỡ bỏ 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, đạt tỷ lệ 98%.

Theo TRẦN BÌNH (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn