Động đất làm suy yếu vỏ trái đất

Cập nhật ngày: 02/12/2013 04:28:19

Một loạt các cơn địa chấn làm rung chuyển New Zealand vào năm 2010, 2011 có thể làm suy yếu vỏ trái đất.


Đường sá tại Christchurch nứt toác do địa chấn - Ảnh: Schwede66

New Zealand nằm dọc theo "vành đai núi lửa nguy hiểm", đó là khu vực hẹp xung quanh Thái Bình Dương, nơi phát sinh khoảng 90% trận động đất trên toàn thế giới. Năm 2011, động đất mạnh 6,3 độ Richter làm rung chuyển đảo Nam của New Zealand, với tâm chấn rất gần thành phố lớn thứ hai của nước này là Christchurch. Hậu quả là 185 người thiệt mạng, khoảng 100.000 tòa nhà bị hủy hoại. Đây là thảm họa kinh hoàng nhất từ trước đến nay từng giáng xuống New Zealand, làm thiệt hại khoảng 1/6 GDP của quốc gia nằm ở Nam bán cầu.

Trên thực tế, cơn địa chấn vào năm 2011 chỉ là dư chấn của trận động đất mạnh 7,1 độ Richter xảy ra cách đó 172 ngày (vào năm 2010) ở cùng một khu vực, gây tổn thất hàng triệu đô la Mỹ cho cơ sở hạ tầng và khiến 2 người bị thương nặng. Dù trận động đất năm 2010 mạnh hơn dư chấn sau đó, nhưng nó gây ít thiệt hại hơn do tâm chấn nằm xa các thành phố. Chưa ngừng lại, địa chấn chết chóc năm 2011 lại tiếp tục kéo theo một loạt dư chấn khác. Các nhà khoa học của Viện GNS phát hiện hầu hết các trận động đất bùng phát tại New Zealand trong 2 năm đó đã tống ra các luồng năng lượng lớn, ăn khớp với những dấu hiệu phát ra từ những điểm nứt trên các đứt gãy của vỏ trái đất.

Để tìm hiểu thêm về chuỗi địa chấn trên, các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu lớp đá bên dưới khu vực bị động đất, được gọi là bình nguyên Canterbury. Kết quả cho thấy ở độ sâu 10 km bên dưới bình nguyên Canterbury là một khối đá núi lửa khổng lồ, hoạt động mạnh mẽ có tên là cao nguyên Hikurangi, đã bị rút xuống đất sâu khoảng 100 triệu năm khi một phần của vỏ trái đất nằm trên rìa siêu lục địa cổ Gondwana. Hiện nó vẫn còn dính vào lớp vỏ sau bao nhiêu năm. Các nhà khoa học tiến hành phân tích sóng địa chấn trước và sau các trận động đất được thu thập bởi GeoNet, hệ thống đo đạc động đất xuyên suốt New Zealand. Dựa trên cơ sở dữ liệu, bao gồm các sóng địa chấn xuất phát từ hơn 11.500 dư chấn sau trận động đất vào năm 2010, họ dựng nên cấu trúc 3 chiều của khối đá núi lửa bên dưới bình nguyên Canterbury, tương tự như kỹ thuật quét siêu âm ở bào thai.

Trước đây, giới khoa học cho rằng sức mạnh của vỏ trái đất không thể nào bị suy chuyển do dư chấn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng những chấn động trên có thể dẫn đến tình trạng mỏng đi trên diện rộng dọc theo các đường nứt trên lớp vỏ này, theo báo cáo trên chuyên san Nature. Có thể nói đây là lần đầu tiên các chuyên gia quan sát được một trường hợp như vậy, do nó hiếm khi xảy ra. Hiện các nhà nghiên cứu tiếp tục tập trung phân tích nguy cơ địa chấn tại khu vực theo sau hoạt động liên tục ở phần vỏ trái đất tại đảo Nam thuộc New Zealand.

Nguồn: Hạo Nhiên-thanhnien.com.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn