ESA hy vọng robot Philae trên sao chổi Chury sẽ "tỉnh giấc"
Cập nhật ngày: 13/03/2015 06:53:20
Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 11/3 thông báo các chuyên gia mặt đất của tổ chức này sẽ nỗ lực thiết lập một đường liên lạc với robot Philae trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko (hay còn gọi là Chury).
Hình ảnh mô phỏng tàu Rosetta mang theo thiết bị Philae hạ cánh xuống bề mặt sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko
Robot Philae nặng 100 kg đã được thả xuống bề mặt sao chổi Chury hối tháng 11 năm ngoái sau khi rời khỏi tàu vũ trụ Rosetta vốn bay trong không gian suốt 10 năm. Tuy nhiên, do cú tiếp đất không nhẹ nhàng, robot Philea bị nẩy lên hai lần trước khi bị mắc kẹt ở dưới một vách đá.
Philae chỉ mang theo năng lượng đủ để thực hiện các cuộc nghiên cứu trong 60 giờ. Robot này đã gửi về Trái Đất rất nhiều dữ liệu có giá trị trước khi rơi vào “trạng thái ngủ đông” do hết năng lượng. Ánh sáng Mặt Trời hạn chế đã ảnh hưởng đến việc nạp lại năng lượng cho các tấm pin.
Các chuyên gia của ESA hy vọng khi sao chổi Chury tiến gần hơn tới Mặt Trời, Philae sẽ "lộ" ra ánh sáng và được nạp đủ năng lượng để “thức giấc”.
Người phát ngôn ESA, ông Daniel Scuka, cho biết từ lúc 01:00 giờ GMT ngày 12/3, cơ quan này bắt đầu khởi động hệ thống thu tín hiệu trên tàu thăm dò không gian Rosetta và đây sẽ là cổng kết nối thông tin đầu tiên với robot Philae, song chưa rõ nó có thể nhận được thông tin ngay lập tức hay không. Cũng theo kế hoạch, “kênh” liên lạc này sẽ được duy trì trong 8 ngày, tức là tới ngày 20/3.
Về mặt lý thuyết, đây là thời điểm tốt nhất cho việc kết nối liên lạc khi mà tàu Rosetta đi vào quỹ đạo gần với bề mặt sao chổi và đủ gần với Mặt Trời để có thể giúp Philae “sạc pin”.
Ngày 12/11 năm ngoái, tàu thăm dò không gian Rosetta đã thả robot Philae, vốn là một phòng thí nghiệm di động rất hiện đại, xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko nằm cách Trái Đất 500 triệu km. Đây là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của con người và hứa hẹn sẽ đem lại những giải đáp về nguồn gốc sự sống.
Vietnam+