Giới khoa học phấn chấn với phát hiện chấn động của thế kỷ 21

Cập nhật ngày: 13/02/2016 07:01:27

Các nhà khoa học quốc tế nhận định phát hiện sóng hấp dẫn là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 21, sánh ngang với những phát kiến lịch sử trong quá khứ.


Một kỹ thuật viên làm việc trong cỗ máy dò laser LIGO đã phát hiện ra sóng hấp dẫn - Ảnh: Reuters

Hôm 11-2, trong cuộc họp báo ở Washington DC, nhóm nghiên cứu thuộc dự án LIGO công bố phát hiện sóng hấp dẫn từ hai lỗ đen va chạm và sáp nhập vào nhau ở vị trí cách trái đất 1,3 tỷ năm ánh sáng. Như vậy, tiên đoán thiên tài của nhà bác học Albert Einstein hồi năm 1916 đã được chứng minh.

Nhà khoa học David Reitze, giám đốc Phòng thí nghiệm LIGO mô tả phát hiện này có tầm quan trọng tương đương với việc nhà thiên văn học Galileo Galilei bắt đầu sử dụng kính thiên văn bốn thế kỷ trước đây, mở ra một thời đại mới của ngành vũ trụ học hiện đại.

“Những gì chúng tôi đang làm có tầm quan trọng tương tự. Chúng tôi đang mở một cửa sổ mới để quan sát vũ trụ” - ông Reitze nhấn mạnh. Mới đây, các nhà khoa học quốc tế đồng loạt lên tiếng ca ngợi phát hiện chấn động này.

Theo AFP, giáo sư vật lý thiên văn Alberto Vecchio thuộc Trường Vật lý và thiên văn ĐH Birmingham (Anh) khẳng định đây là một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất của ngành thiên văn học và mang tính cách mạng.

“Khám phá này sẽ mở rộng đáng kể cách chúng ta quan sát vũ trụ, cũng như các nhánh vật lý và thiên văn chúng ta có thể nghiên cứu” - giáo sư Sheila Rowan, giám đốc Viện Nghiên cứu lực hấp dẫn thuộc ĐH Glasgow (Scotland) đánh giá.

Giáo sư Abhay Ashtekar, giám đốc Viện Lực hấp dẫn và vũ trụ thuộc ĐH Penn State (Mỹ) cho rằng đây là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 21.

Giáo sư vật lý Andrew Coates của ĐH London (Anh) cho rằng sóng hấp dẫn là khám phá khoa học tương đương với việc tìm ra hạt Higgs, khối lượng của hạt neutrino, phát hiện ra electron, lực điện từ, lý thuyết nhật tâm và các định luật vật lý Newton.

“Giờ chúng ta có thể lắng nghe vũ trụ thay vì chỉ quan sát nó” - giáo sư B.S Sathyaprakash của ĐH Cardiff (Wales) cho biết. Một số chuyên gia cho rằng có 90% khả năng phát hiện sóng hấp dẫn sẽ đoạt giải Nobel vật lý năm nay.

Các bằng chứng gián tiếp chứng minh sự tồn tại của sóng hấp dẫn được tìm thấy hồi năm 1974 thông qua nghiên cứu sao neutron và sao xung (pulsar). Năm 1993, hai nhà khoa học Russell Hulse và Joseph Taylor đã đoạt giải Nobel vật lý nhờ nghiên cứu này.

Theo thuyết tương đối rộng, lực hấp dẫn là bản chất của không - thời gian bị bẻ cong vì sự hiện diện của khối lượng. Khi các vật thể có khối lượng lớn tăng tốc, ví dụ như khi hai lỗ đen lao vào nhau, chúng tạo ra các gợn sóng trong không - thời gian bị bẻ cong.

Những sóng hấp dẫn mạnh nhất trong vũ trụ xuất phát từ những tương tác dữ dội nhất trong vũ trụ, ví dụ như các lỗ đen va chạm nhau, các ngôi sao khổng lồ nổ tung hay từ chính Vụ nổ lớn (Big Bang) khai sinh ra vũ trụ 13,8 tỷ năm trước đây.

Nhóm nghiên cứu LIGO dùng hai thiết bị dò laser khổng lồ trong lòng đất (mỗi thiết bị dài 4 km) ở Hanford (bang Washington) và Livingston (bang Louisiana) để tìm kiếm sóng hấp dẫn. Hai thiết bị này do các chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viên Công nghệ California (Caltech) xây dựng.

Một thiết bị dò laser thứ ba, có tên Virgo, sẽ bắt đầu hoạt động tại Ý trong năm nay. Các thiết bị khác sẽ được xây dựng ở Nhật và Ấn Độ trong những năm tới. Chuyên gia Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Tuck Stebbins mô tả máy dò LIGO là “một trong những cỗ máy phức tạp nhất mà con người từng tạo ra”.

SƠN HÀ/TTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn