Kho báu ngầm tại Thung lũng các vị vua

Cập nhật ngày: 10/12/2013 05:10:19

Nhiều hầm mộ vẫn chờ được khai quật trong thung lũng các vị vua, nơi các thành viên hoàng gia thời Ai Cập cổ đã yên nghỉ hơn 3.000 năm trước.


Sứ mệnh khai quật mới đang diễn ra tại Thung lũng các vị vua
 Ảnh: Bộ Di tích Ai Cập

Từ năm 2007 đến 2010, các nhà khảo cổ học tại Ai Cập đã tiến hành khám phá thung lũng nổi tiếng, nơi hoàng thất đã được chôn trong giai đoạn Kinh đô mới (1550 - 1070 trước CN). Họ đã hợp tác với Tổ chức nghiên cứu khảo cổ Glen Dash để triển khai các cuộc dò tìm dùng radar nhìn xuyên lòng đất. Trong thời gian qua, nhóm đã công bố nhiều phát hiện liên quan đến cấu trúc hạ tầng của khu vực, bao gồm hệ thống kiểm soát nước lũ do người Ai Cập cổ đại xây dựng, nhưng vì một lý do nào đó vẫn chưa hoàn thành. Hệ thống trên đã bị hủy hoại dưới thời vua Tutankhamun, khiến nhiều ngôi mộ bị hư hỏng, và diễn biến không mong muốn lại bất ngờ giúp bảo vệ kho tàng của vị vua nổi tiếng trước những kẻ trộm mộ.

Trong quá trình áp dụng công nghệ radar, đội ngũ chuyên gia thu thập được một khối lượng lớn dữ liệu và cần nhiều thời gian để phân tích, theo Reuters dẫn lời Afifi Ghonim, từng là giám đốc hiện trường của dự án. “Quần thể cấu trúc tại đó quá lớn, phải mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên để có thể nghiên cứu đầy đủ”, theo Ghonim, nhà khảo cổ học thuộc Bộ Di tích của Ai Cập, hiện là nhà quản lý chính dự án tại Giza. Đây cũng là dự án khai quật lớn nhất tại Thung lũng các vị vua từ thời Howard Carter, nhà Ai Cập học dẫn đầu nhóm phát hiện mộ vua Tut vào năm 1922.

“Quan điểm chung là có thể còn vài ngôi mộ nhỏ chưa từng được biết đến, giống như các phát hiện mới đây ở khu vực KV 63 và 64. Nhưng cũng có khả năng sẽ tìm được ngôi mộ hoàng gia nào đấy. Nơi yên nghỉ của các nữ hoàng triều đại thứ 18 vẫn là bí ẩn chưa được khám phá, cũng như một số pharaoh của kinh đô mới, chẳng hạn Ramesses VIII”, ông Ghonim phân tích.

Nhà Ai Cập học Zahi Hawass, từng lãnh đạo nhóm làm việc tại Thung lũng các vị vua, cũng chia sẻ tâm trạng hào hứng trên. “Mộ của Thutmose II, mộ Ramesses VIII chưa được tìm thấy, cũng như mộ của toàn bộ nữ hoàng trong triều đại 18 (từ 1550 đến 1292 trước CN), theo Hawass, cựu Bộ trưởng Di tích cổ Ai Cập. Ông hồ hởi dự đoán đây có thể là một kỷ nguyên mới của ngành khảo cổ học.

Đến nay, việc định vị các ngôi mộ tại Thung lũng các vị vua là điều hết sức khó khăn, dù được sự hỗ trợ của công nghệ cao như radar tần số cao. Một khi tìm được, nhiều khi người trong mộ không phải là chủ nhân đầu tiên của ngôi mộ này. Ví dụ, ngôi mộ nhỏ KV 64 được Đại học Basel (Thụy Sĩ) khai quật vào năm 2011 lại thuộc về nữ ca sĩ tên Nehmes Bastet, sống cách đây 2.800 năm. Cô này đã tái sử dụng ngôi mộ vốn đã được xây dựng trước đó rất lâu và từng thuộc về chủ nhân khác. Dù vậy, ông Ghonim dự đoán rằng không sớm thì muộn cũng sẽ tìm được những ngôi mộ chứa chủ nhân đích thực của nó. Và nếu như tìm được mộ của các pharaoh vẫn mất tích, hy vọng cũng sẽ tìm thấy bộ não của họ. Kết quả nghiên cứu của chuyên gia Hawass và tiến sĩ Sahar Saleem của Đại học Cairo cho rằng người Ai Cập cổ đại không loại bỏ não của pharaoh trong quá trình ướp xác.

Nhiều kết quả khác trong quá trình khai quật nhưng chưa được tiết lộ lâu nay sẽ được công bố trong các báo cáo tương lai. Việc khởi động kỷ nguyên mới mang đến hy vọng hồi sinh ngành du lịch đang thoái trào của Ai Cập, do các biến động trong xã hội thời gian gần đây.

Nguồn: Hạo Nhiên-thanhnien.com.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn