Lần đầu tiên phát hiện thiên thạch có đuôi
Cập nhật ngày: 12/11/2013 13:08:48
Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên phát hiện một thiên thạch có 6 đuôi, được hình thành thành các vật chất và bụi, nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Hình ảnh quan sát thiên thạch thay đổi cấu trúc đuôi
trong vòng hai tuần. Ảnh: NASA
Theo Live Science, thiên thạch P/2013 P5 được quan sát bằng kính thiên văn không gian Hubble có 6 đuôi bụi giống như sao chổi và những đuôi bụi xòe ở phía sau như những chiếc nan hoa xe đạp.
P/2013 P5 được phát hiện lần đầu tiên qua kính thiên văn Pan-STARRS đặt tại Hawaii hồi tháng 8 với những hình ảnh bất thường và mờ nhạt. Khi quan sát bằng kính thiên văn không gian Hubble một tháng sau đó, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Los Angeles, phát hiện thấy cấu trúc đuôi bụi của thiên thạch này.
P/2013 P5 được cho là đã phun bụi từ 5 tháng trước và cấu trúc đuôi thay đổi đáng kể trong vòng 13 ngày. Áp suất bức xạ làm thiên thạch bắt đầu quay nhanh hơn cho đến khi lực hấp dẫn yếu dần, khiến P/2013 P5 bắt đầu phun bụi và hình thành cấu trúc đuôi bụi như sao chổi.
David Jewitt đến từ Đại học California cho hay nhóm nghiên cứu rất bất ngờ khi quan sát thấy thiên thạch qua kính thiên văn vì đây là đầu tiên một thiên thạch có đuôi như sao chổi được phát hiện. Đuôi của sao chổi có cấu tạo từ bụi hoặc các đuôi từ chất khí mờ hơn, có thể dài hàng triệu km.
P/2013 P5 có thể là mảnh vỡ trong vụ va chạm từ cách đây 200 triệu năm.
Nguồn: Thùy Linh-VnExpress