Loài cá bắt mồi nhờ khả năng phóng điện
Cập nhật ngày: 09/12/2014 06:46:12
Luồng điện được phóng đi từ loài cá chình điện khiến con mồi nhanh chóng bị hạ gục.
Khả năng phóng điện là lợi thế giúp cá chình điện dễ dàng bắt mồi
Cá chình điện (hay còn gọi là lươn điện) là loài sống ở vùng Amazon, với đặc trưng là khả năng phóng điện để làm tê liệt con mồi.
Theo kết quả nghiên cứu kéo dài 9 tháng, các nhà sinh vật học của Đại học Vanderbilt, Mỹ, phát hiện một con cá chình điện dài gần hai mét có thể sinh dòng điện mạnh 600 volt. Dòng điện từ loài cá da trơn này đủ mạnh để hạ gục một con ngựa trưởng thành.
Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng xung điện yếu hơn để xác định vị trí của con mồi, tương tự cách định vị tiếng vang của dơi và cá heo. Nhờ lợi thế đó, cá chình dễ dàng phóng điện từ xa, khiến con mồi tê liệt và không thể trốn thoát. UPI cho hay đặc điểm này được mô tả như phương thức hoạt động của súng điện Taser.
"Cá chình điện hoàn toàn khiến con mồi bất động chỉ trong ba phần nghìn giây. Trong một giây, một súng bắn điện Taser có thể phóng 19 xung điện cao áp, trong khi đó một con cá chình có thể sinh 400 xung điện", Kenneth Catania, tác giả của cuộc nghiên cứu, giải thích.
Cá chình điện được giới chuyên gia biết đến từ lâu. Tuy nhiên, phát hiện này đã cung cấp cái nhìn rõ hơn về vũ khí săn mồi đặc biệt của chúng.
VNE