Mạng trong nước “lép vế” trước các nhà mạng nước ngoài ​ ​

Cập nhật ngày: 01/11/2022 14:52:03

Các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước. Một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn. Các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài chi phối đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến.


Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Báo cáo trả lời chất vấn vừa được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi đến ĐBQH nêu nhận định, các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước. Một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập trước sự phát triển rất nhanh của Internet và công nghệ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, phát triển kinh doanh.

Mạng nước ngoài chiếm gần 70% thị phần

Nêu dẫn chứng, Bộ trưởng cho biết, mạng trong nước chỉ cho phép lĩnh vực chia sẻ, trao đổi giới hạn trong một hoặc một vài lĩnh vực hẹp như nghề nghiệp, chuyên môn, sở thích, kiến thức; một tên miền chỉ được cung cấp một dịch vụ hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội, không được tích hợp; không được cập nhật thông tin tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực…  Còn các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng trong những năm gần đây, thu hút rất đông người dùng trong nước và chi phối lên đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến do các quy định quản lý hoạt động của nhóm đối tượng này cả về nội dung, về quảng cáo và thuế còn nhiều bất cập, lỏng lẻo.

Một số mạng xã hội nước ngoài lớn như Facebook, Youtube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.

9 tháng đầu năm 2022, xử phạt gần 2 tỷ đồng

Vấn đề khác được ĐBQH phản ánh là tình trạng tin giả, tin “độc” lan nhanh, thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, từ năm 2021 đến nay, Bộ TT-TT và các sở TT-TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Năm 2021, cơ quan chức năng đã xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại TPHCM, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương; khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng, Đặng Như Quỳnh về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ TT-TT và các sở TT-TT đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình đạt trên 93%.

Theo đó, từ năm 2018 đến ngày 21/9/2022, Facebook đã gỡ 311 tài khoản giả mạo, hơn 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, đã gỡ 14 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; hơn 2.527 bài viết xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và có nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch (tỷ lệ từ đầu 2022 đến nay luôn đạt từ 90%).

YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 30 kênh này chứa hơn 11.212 video clip vi phạm). Tỷ lệ từ đầu năm 2022 đến nay đạt 92%.

Tiktok đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Mạng xã hội này còn tự chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. tỷ lệ từ đầu năm 2022 đến nay đạt 91%.

Đáng lưu ý, năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).

Khó xử lý tin giả vì việc xác minh tin đồn chậm trễ

“Bộ TT-TT đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn kịp thời nguồn thông tin vi phạm, cũng như xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng”, người đứng đầu Bộ TT-TT khẳng định.

Song, theo Bộ trưởng, một khó khăn hiện nay trong việc xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ. Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội; trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình lại rất mất thời gian.

Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp thường rất ít phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện theo quy định dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý vi phạm.

Nguyên nhân của hạn chế, theo Bộ trưởng, là do một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Về phía các cơ quan quản lý, do thiếu sự chủ động trong công tác phối hợp phát hiện, xác minh nội dung vi phạm giữa các bộ, ngành, địa phương nên mất nhiều thời gian khi xác minh, dẫn đến một số tin giả, thông tin sai sự thật được phát tán, lan truyền rộng rãi.

Để khắc phục, Bộ trưởng cho hay, thời gian tới Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, Bộ nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng.

Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn