Mây mù và băng bao phủ Diêm Vương Tinh
Cập nhật ngày: 26/07/2015 06:13:51
Hình ảnh chụp từ tàu vũ trụ New Horizons của NASA tuần trước cho thấy Diêm Vương Tinh có một lớp rộng lớn mây mù trong khí quyển và dòng chảy của nitơ đóng băng bên dưới mặt đất.
Một hình ảnh chụp gần cho thấy bề mặt của Diêm Vương Tinh - Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học ngày 24-7 cho biết New Horizons là tàu vũ trụ đầu tiên đến Diêm Vương tinh và cho đến nay đã chuyển về Trái đất khoảng 5% dữ liệu khoa học và hình ảnh về hành tinh này mà con tàu thu thập được từ ngày 14-7.
Hàng loạt bức ảnh mới nhất bao gồm bức tranh Diêm Vương Tinh cùng với Mặt trời nằm cách đó hơn 3 tỉ dặm (4,8 tỉ km) đang chiếu sáng xung quanh và xuyên qua bầu khí quyển của hành tinh.
Phân tích cho thấy các lớp khác nhau của mây mù có nitơ, carbon monoxide (CO) và methan trong bầu khí quyển của Diêm Vương Tinh. Đám mây kéo dài ít nhất 161km từ bề mặt hành tinh.
"Đây là cái nhìn đầu tiên của chúng ta về khí hậu trong bầu khí quyển của Diêm Vương Tinh" - nhà khoa học Michael Summers tại ĐH George Mason, Virginia (Mỹ) cho biết.
Ông cho biết thêm khi các phân tử khí nhỏ này rơi xuống đất chúng có thể tạo ra phản ứng hóa học làm cho Diêm Vương Tinh có màu đỏ.
Với nhiệt độ bề mặt là âm 235 độ C, Diêm Vương Tinh quá lạnh để băng có thể hình thành từ nước. Thay vào đó băng trên bề mặt hành tinh này chủ yếu là nitơ.
Giới khoa học sẽ có thêm những hiểu biết khác rõ hơn về Diêm Vương Tinh khi New Horizons gửi tiếp những dữ liệu và hình ảnh thu thập được về Trái đất vào năm sau.
TTO