NASA phát hiện hố Mặt trăng nghi do tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đâm xuống
Cập nhật ngày: 02/09/2023 05:23:36
Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga được cho là đã tạo ra một miệng hố rộng 10m khi rơi xuống bề mặt Mặt trăng vào tháng trước.
Bức ảnh do Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) chụp cho thấy một miệng hố có thể do tàu Luna-25 của Nga đâm xuống tạo ra (Ảnh: Trung tâm Bay vũ trụ Goddard thuộc NASA/Đại học bang Arizona)
Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA mới đây phát hiện một miệng hố mới hình thành trên bề mặt Mặt trăng, nhiều khả năng là vị trí va chạm của tàu Luna-25.
Sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm đã thất bại sau khi một sự cố kỹ thuật khiến tàu thăm dò Luna-25 bị mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt thiên thể này ngày 19/8 vừa qua.
Dựa vào vị trí đâm ước tính mà cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cung cấp, nhóm chuyên gia NASA chụp ảnh khu vực đó bằng camera của LRO hôm 24/8, sau đó so sánh với những bức ảnh về cùng khu vực được chụp từ trước, mới nhất là vào tháng 6/2022.
Kết quả, họ phát hiện một miệng hố mới rộng khoảng 10m hình thành trên Mặt trăng.
“Hố phễu mới nằm gần vị trí đâm ước tính của Luna-25 nên nhóm LRO kết luận, nhiều khả năng cấu trúc này do Luna-25 thay vì một vật thể tự nhiên gây ra”, NASA thông báo hôm 31/8.
Ngay sau vụ va chạm, Nga đã thành lập một ủy ban liên ngành đặc biệt để điều tra làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, rạng sáng 11/8, Nga đã phóng tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 vào không gian, đánh dấu bước khởi động lại chương trình thăm dò Mặt trăng của nước này gần 50 năm sau khi thực hiện sứ mệnh Luna-24 vào năm 1976.
Sứ mệnh của Luna-25 là thử nghiệm các công nghệ hạ cánh mềm xuống vùng cực Mặt trăng và tiến hành các nghiên cứu cấu trúc bên trong cũng như khám phá các nguồn tài nguyên, trong đó có nước. Nhiệm vụ khoa học của Luna-25 dự kiến kéo dài 1 năm.
Nga lên kế hoạch để Luna-25 đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng vào ngày 21/8, tuy nhiên, sứ mệnh này sau đó đã thất bại.
Ngày 23/8 vừa qua, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công đáp xuống bề mặt Mặt trăng sau hành trình kéo dài 40 ngày, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới làm được điều đó, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.
Theo VĂN TOẢN/NDO
Theo Reuters