Ngôi đền 6.000 năm tuổi ở Ukraine

Cập nhật ngày: 26/10/2014 06:30:03

Nhiều bức tượng nhỏ giống con người và hài cốt của động vật hiến tế vừa được phát hiện trong một đền thờ 6.000 năm, tại khu định cư tiền sử ở Ukraine.


Ngôi đền trong khu định cư thời tiền sử khổng lồ ở Ucraina

Ngôi đền được xây dựng trước khi con người phát minh ra chữ viết. Nó tọa lạc tại một khu định cư thời tiền sử, gần Nebelivka, Ukraine ngày nay. Toàn bộ khu định cư rộng 238 ha, gồm hơn 1.200 tòa nhà và gần 50 con đường.

Theo Live Science, ngôi đền có kích thước rộng 20 m, dài 60 m. Đây là toà nhà hai tầng làm bằng gỗ và đất sét, tầng trên chia thành 5 phòng. Bên trong ngôi đền còn sót lại di tích của 8 bệ đất sét, có thể từng là bàn thờ; một bệ chứa nhiều xương cừu cháy rụi như vật hiến tế. Tầng dưới có một khoảng sân với nhiều xương động vật và mảnh vỡ đồ gốm.

"Sàn nhà và tất cả bức tường trong 5 phòng tầng trên đều được trang trí bằng sơn màu đỏ, tạo ra bầu không khí nghi lễ", Nataliya Burdo và Mykhailo Videiko, hai nhà nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Ukraine, cho hay.

Tại khu vực khảo cổ, nhóm chuyên gia phát hiện thêm mảnh vỡ của nhiều bức tượng nhỏ. Một trong số chúng trông giống như hình người nhưng có mũi nhọn như mỏ chim và hai mắt không giống nhau. Đồ trang trí bằng xương và vàng tại ngôi đền có kích thước nhỏ hơn 2,54 cm, có thể đeo trên tóc.

Các nhà khoa học nhận định, ngôi đền và các hiện vật thuộc về nền văn hóa Trypillian xa xưa. Trypillian là tên một ngôi làng ở Ukraine, nơi những hiện vật tương tự lần đầu tiên được phát hiện.

Lê Hùng (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn