Ngôn ngữ của thực vật

Cập nhật ngày: 19/08/2014 04:40:00

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy thực vật có thể dùng ngôn ngữ riêng của chúng để truyền thông tin cho nhau.


Cây arabidopsis - Ảnh: Kristopher Grunet/Corbit

Phát hiện này dẫn đến một công việc rất lý thú khi khám phá giao tiếp thực vật ở mức độ phân tử, qua đó giúp các nhà khoa học có thêm vũ khí để chống lại các loài cỏ dại ký sinh làm thiệt hại cây lương thực ở những vùng đất nghèo nhất thế giới. Giáo sư Westwood, chuyên gia thực vật học tại Đại học Virginia Tech (Mỹ) cho biết việc phát hiện truyền thông tin liên lạc giữa các thực vật đã giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về chúng, điều quan trọng là phải giải mã những gì chúng “nói” với nhau.

Giáo sư Westwood đã thử nghiệm kiểm tra "cuộc đối thoại" giữa loại dây tơ hồng sống ký sinh với hai thực vật chủ là cây cà chua và cây arabidopsis. Để hút nước và chất dinh dưỡng từ cây chủ, dây tơ hồng đã sử dụng phần rễ phụ gọi là haustorium để xâm nhập và trong quá trình tương tác ký sinh này có một ARN vận chuyển giữa hai loài.

Điều quan trọng là phải giải mã những thông điệp bên trong mà ARN gửi đi, đặc biệt là những gì mà protein trong tế bào mang lại. Trước đây người ta cho rằng mARN là rất mong manh và thời gian tồn tại ngắn nên rất khó để chuyển dịch giữa các cá thể. Tuy nhiên, Giáo sư Westwood nhận thấy rằng trong mối quan hệ ký sinh đã có hàng ngàn phân tử mARN được trao đổi giữa hai loài thực vật, tạo ra cuộc “đối thoại” cởi mở cho sự giao tiếp. Thông qua sự trao đổi này cây ký sinh làm cho cây chủ lạc hướng "mất cảnh giác", giảm khả năng phòng thủ để dễ tấn công nó. Báo Daily Mail nhận định rằng Giáo sư Westwood đang đi đúng hướng để giải mã những gì mà cây ký sinh dùng mARN "nói" với cây chủ.

Giới chuyên gia đang hy vọng những phát hiện của Giáo sư Westwood sẽ tiến đến mục tiêu là phá vỡ những mARN của cây ký sinh để bảo vệ mùa màng, tăng năng suất cây lương thực cho những khu vực nghèo khó.

Nguồn: Tạ Xuân Quan-Thanh Niên Online

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn