Nhật Bản phát triển công nghệ diệt khuẩn và khử mùi trên vũ trụ

Cập nhật ngày: 06/01/2015 05:52:53

Công ty Luyện kim Fujico có trụ sở ở thành phố Kitakyushu và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang cùng hợp tác nghiên cứu công nghệ diệt khuẩn và khử mùi trên tàu vũ trụ thông qua việc sử dụng chất xúc tác quang học.

Mục tiêu của dự án nghiên cứu này là nhằm tạo ra một bầu không khí trong lành và dễ chịu cho các nhà du hành vũ trụ. Công nghệ mới này được kỳ vọng sẽ phát huy hơn nữa khả năng thám hiểm vũ trụ của con người, ví như dự án đưa con người lên Sao Hỏa.

Trên thực tế, thứ mà người ta không thể truyền tải giữa các nhà du hành trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) với con người dưới mặt đất chính là “mùi”. Theo JAXA, nguyên nhân chính gây ra mùi khó chịu trên tàu vũ trụ là do những chất hữu cơ tồn tại trong mồ hôi của các nhà du hành thải ra hàng ngày.

Trên ISS vốn được trang bị hệ thống làm sạch không khí và thường được bổ sung thêm không khí sạch mỗi khi có hàng hóa, vật tư từ Trái Đất gửi lên, do đó việc làm sạch không khí không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là không thể khử hết mùi do hàng hóa, vật tư và các loại vi khuẩn tạo ra. Đặc biệt, nếu dự án đưa con người lên Sao Hỏa thành hiện thực thì chỉ riêng thời gian đi, về cũng mất khoảng ba năm, từ đó nảy sinh vấn đề làm sao đảm bảo được môi trường sạch sẽ trong tàu vũ trụ vốn là một không gian kín.

JAXA cho biết họ đã quan tâm nghiên cứu vấn đề này từ nhiều năm trước và đánh giá Nhật Bản hiện là nước dẫn đầu về phát triển công nghệ xúc tác quang học.

Chất xúc tác quang học có đặc tính phát sinh điện tử khi nó tiếp xúc với ánh sáng và tạo phản ứng ôxy hóa khử trong không khí, biến các chất có hại thành vô hại. Fujico sử dụng chất titanđiôxít (TiO2) làm chất xúc tác quang học. Theo công nghệ mới, chất xúc tác quang học sẽ được phun lên vật chủ như viên gạch tạo ra một lớp màng dày và siêu bền. JAXA đánh giá cao công nghệ của hãng Fujico về độ bền vật liệu cũng như khả năng ứng dụng cho các sản phẩm dùng trên ISS. Trước mắt, cơ quan này đang cân nhắc đến phương án dán các tấm có lớp màng phim TiO2 lên các bức tường bên trong tàu vũ trụ.

Trước đó, vào tháng 9/2014, Fujico và JAXA đã đạt được thỏa thuận cùng hợp tác nghiên cứu và thu thập dữ liệu, đồng thời sẽ đánh giá tính năng của vật liệu mới qua các thí nghiệm. Nếu chất xúc tác quang học đạt các tiêu chuẩn đề ra, chúng sẽ được triển khai ứng dụng tại Phòng Nghiên cứu Kiboh của Nhật Bản. Cụ thể, các tấm phim này sẽ được lắp ở lỗ hút không khí của máy điều hòa. Nhóm nghiêu cứu sẽ tính toán về hiệu quả sử dụng thực tế của vật liệu mới này.

Vietnam+

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn