Nơi nửa đêm cũng có Mặt Trời
Cập nhật ngày: 25/02/2016 06:54:08
Nơi nhận được nhiều ánh nắng nhất trên Trái Đất có thể nằm trên một hòn đảo ở Bắc Cực, tại vùng đất có Mặt Trời lúc nửa đêm.
Đảo Ellesmere ở Bắc Cực. Ảnh: All Canada Photos/Alamy Stock Photo.
Một cách để định nghĩa nơi có nhiều ánh nắng Mặt Trời nhất là dựa trên thời gian Mặt Trời chiếu sáng liên tục. Theo BBC, số liệu thống kê chỉ ra cả trạm nghiên cứu Eureka và Alert trên đảo Ellesmere, Canada, đều có lượng nắng cao.
Tháng 5 là tháng nhiều nắng nhất, ánh nắng tồn tại 65,4% thời gian trong ngày tại Eureka, tương đương với hơn 15 giờ. Nhưng nhiệt độ trung bình trong ngày tại đây ở -10 độ C, không thuận lợi cho hoạt động tắm nắng.
Hai trạm nghiên cứu trên nằm ở vòng Bắc Cực, ở vĩ độ được gọi là "vùng đất có Mặt Trời lúc nửa đêm" do vào mùa hè, Mặt Trời không bao giờ lặn dưới đường chân trời và chiếu sáng nhiều ngày liên tục. Bắc Cực là vùng ngập tuyết nhưng về lý thuyết, nơi đây có thể xem như một sa mạc với rất ít mây và mưa.
Với 24 giờ có nắng trong ngày và tương đối ít mây che phủ bầu trời, trạm nghiên cứu trên đảo Ellesmere trải qua nhiều giờ có nắng nhất trên thế giới, ít nhất là vào tháng 5. Nhưng sang tháng 12, tình huống hoàn toàn ngược lại. Trái với Mặt Trời lúc nửa đêm là đêm vùng cực, khi Mặt Trời không mọc trong suốt 6 tháng.
Theo ghi nhận từ các trạm thời tiết trên khắp nước Mỹ, thành phố Yuma ở bang Arizona là nơi có nhiều nắng nhất trên thế giới. Thời gian có nắng trong ngày ở đây dao động từ 11 tiếng vào mùa đông đến 13 tiếng vào mùa hè và khả năng có nắng lên đến 90 %.
"Vùng tây nam nước Mỹ chịu ảnh hưởng của áp suất cao phần lớn thời gian trong năm, dẫn đến không khí ấm áp bao phủ toàn khu vực", Michael Crimmins, nhà khí hậu học tại Đại học Arizona, Tucson, giải thích. "Điều này kéo theo nhiều ngày không mây và nhiệt độ ấm áp".
Theo Crimmins, Yuma nổi tiếng là nơi có nhiều ánh nắng Mặt Trời do nằm ở khu vực cận nhiệt đới. Nhờ hoàn lưu khí quyển tên Hadley Cell, khu vực này vừa nóng vừa khô.
Năm 2007, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng vệ tinh để tìm điểm nắng nhất trên Trái Đất. Cảm biến trên các vệ tinh có thể xác định bức xạ phản chiếu qua các đám mây hay từ bề mặt của Trái Đất, bao gồm những vùng nước. Các vị trí nhận được nhiều tia nắng mà nhóm nghiên cứu tìm thấy đều ở xa các khu dân cư đông đúc.
Vùng nhiều nắng nhất ngoài biển nằm ở Thái Bình Dương, phía nam bang Hawaii, Mỹ và phía đông quốc đảo Kiribati. Trên đất liền, một khu vực thuộc sa mạc Sahara gần Agadem, Niger, là nơi ít bị mây che phủ nhất.
Các nhà nghiên cứu tính toán năng lượng Mặt Trời trung bình các khu vực này nhận được hàng ngày từ năm 1983 đến năm 2005. Năng lượng Mặt Trời được ghi nhận trên sa mạc là 6,78 kWh/m2 và trên biển là 6,92 kWh/m2, tương đương với lượng điện trung bình dùng để đun nước mỗi ngày của các gia đình tại Mỹ.
"Số liệu thống kê được lấy từ kết quả đo các đám mây của vệ tinh và các thông tin khác về bầu khí quyển, sau đó ước tính năng lượng Mặt Trời chiếu xuống bề mặt", Paul Stackhouse tại Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton, Virginia, chia sẻ.
Vân Du/VNE