Phát hiện hệ mặt trời có tuổi đời gần bằng vũ trụ
Cập nhật ngày: 06/02/2015 06:32:36
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một mặt trời có tuổi đời lên đến 11,2 tỷ năm và có ít nhất năm hành tinh có kích cỡ tương tự trái đất quay xung quanh.
Hình vẽ minh họa hệ mặt trời có tuổi đời 11,2 tỷ năm
Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal cho biết từ dữ liệu do tàu vũ trụ Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập được, các nhà thiên văn học xác định ngôi sao Kepler-444 nhỏ hơn mặt trời của chúng ta 25% và cách trái đất khoảng 117 năm ánh sáng.
Năm hành tinh của ngôi sao này có kích thước lớn hơn Thủy tinh và nhỏ hơn Kim tinh trong hệ mặt trời của chúng ta. Các hành tinh này ở rất gần ngôi sao Kepler-444 và chỉ mất 10 ngày để quay một vòng quanh nó. Ở khoảng cách này, nhiệt độ trên bề mặt các hành tinh này là cực nóng và sự sống không thể tồn tại ở đó.
Giáo sư vật lý thiên văn Steve Kawaler của ĐH Iowa (Mỹ) cho biết Kepler-444 rất sáng và có thể quan sát từ trái đất bằng ống nhòm. “Đây là hệ mặt trời có tuổi đời cao nhất trong dải Ngân hà” - giáo sư Kawaler cho biết. Để so sánh, mặt trời của chúng ta chỉ có tuổi đời 4,5 tỷ năm, còn vũ trụ hình thành từ cách đây 13,8 tỷ năm.
Chuyên gia Daniel Huber thuộc ĐH Sydney (Úc) cho biết giới khoa học chưa bao giờ phát hiện ra một hệ mặt trời tương tự. “Ngôi sao này rất già và lại có một số lượng lớn hành tinh xoay quanh. Việc một hệ mặt trời cổ hình thành khi vũ trụ chỉ được 1/5 tuổi như hiện nay là điều phi thường” - chuyên gia Huber nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Tiago Campante của ĐH Birmingham (Anh) đánh giá phát hiện này cho thấy các hành tinh đã phát triển từ khi vũ trụ bắt đầu hình thành. Do đó sự sống trong vũ trụ có thể tồn tại từ lâu trước khi xuất hiện trên trái đất.
Đến nay tàu không gian Kepler đã phát hiện hơn 1.000 hành tinh bên ngoài hệ mặt trời.
TTO