Phát hiện mới về khí quyển mặt trời

Cập nhật ngày: 27/06/2014 06:10:19

Nhật quang, tức khí quyển chứa các hạt điện tích của mặt trời, lớn hơn vẫn tưởng, vượt hơn 8 triệu km tính từ bề mặt mặt trời.


Các chuyên gia Trái đất đã xác định được phạm vi của nhật quang - Ảnh: NASA

Xung quanh mặt trời là bầu khí quyển rộng lớn chứa hạt điện tích, thông qua đó từ trường cuộn sóng, các vết lóa mặt trời bùng nổ và những cột vật chất trồi lên khỏi bề mặt.

Giờ đây, nhờ đài quan sát STEREO của NASA, các nhà khoa học phát hiện khí quyển mặt trời trải rộng ra không gian hơn vẫn tưởng.

Những kết quả quan sát này cung cấp sự đo đạc trực tiếp đầu tiên về biên giới bên trong của nhật quyển, tức bong bóng khổng lồ chứa toàn những hạt điện tích bao quanh mặt trời và mọi hành tinh.

Kết hợp với thông tin đo đạc từ Voyager 1 ở rìa ngoài của nhật quyển, giờ đây con người đã xác định được toàn bộ phần mở rộng của “bong bóng” khổng lồ này, theo Space.com dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Tây Nam ở bang Colorado.

Thậm chí ở khoảng cách 8 triệu km tính từ bề mặt mặt trời, những cơn bão mặt trời khổng lồ, hoặc các đợt phun trào vật chất ở vành nhật hoa, có thể gây nên ảnh hưởng xuyên suốt nhật quang.

Việc xác định được độ bao phủ của nhật quang đặc biệt rất hữu dụng cho sứ mệnh Solar Probe Plus, sẽ được khởi động vào năm 2018, vì vệ tinh này sẽ tiến đến khoảng cách trong vòng 6 triệu km so với mặt trời, gần hơn bất cứ sứ mệnh nào khác trước đây.

Nguồn: Hạo Nhiên-Thanh Niên Online

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn