Phát hiện răng hóa thạch của cá voi "sát thủ" cách đây 5 triệu năm
Cập nhật ngày: 23/04/2016 06:53:13
Ngày 21/4, Bảo tàng Victoria (Australia) công bố một chiếc răng hóa thạch của loài cá voi khổng lồ có niên đại 5 triệu năm được tìm thấy trên một bờ biển của quốc gia này.
Đây cũng là chứng cứ đầu tiên về sự tồn tại của loài cá nhà táng này ở khu vực bên ngoài châu Mỹ.
Với chiều dài lên tới 30cm, chiếc răng được đánh giá không chỉ lớn hơn răng của bất kỳ loài cá voi khổng lồ nào hiện còn tồn tại mà còn to hơn cả răng của loài khủng long bạo chúa.
Bảo tàng Victoria khẳng định đây là răng của oài cá voi "sát thủ" khổng lồ đã bị tuyệt chủng.
Với chiều dài lên tới 18m và nặng khoảng 40 tấn, loài cá này được cho là tồn tại từ Kỷ thứ 3 cách đây 5 triệu năm.
Chiếc răng này được phát hiện hồi tháng 2 trên Vịnh Beaumaris gần Melbourne, một trong các địa điểm chứa đựng nhiều dấu vết hóa thạch quan trọng bậc nhât ở Australia, cung cấp vô vàn thông tin quý giá về lịch sử tồn tại của những quần thể động vật khổng lồ trong lòng đại dương.
Từ trước tới nay, dấu vết hóa thạch của loài này chủ yếu được tìm thấy ở các vùng duyên hải phía Tây của khu vực Nam và Bắc Mỹ vì vậy đây là lần đầu tiên chúng được tìm thấy tại một khu vực khác.
Không giống như những loài cá voi hiện tại chỉ ăn mực và cá nhỏ, nhờ hàm răng to khỏe có thể nghiền nát xương các loài động vật, loài cá voi khổng lồ thời xa xưa ăn những động vật lớn hơn và thậm chí cả đồng loại của chúng.
Theo Vietnam+