Robot Philae “tỉnh giấc” trên sao chổi
Cập nhật ngày: 15/06/2015 15:30:23
Sau bảy tháng “ngủ đông”, robot Philae bất ngờ “tỉnh giấc” trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và gửi tín hiệu về Trái đất.
Robot Philae trên sao chổi 67P
Theo báo New York Times, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) thông báo rạng sáng 14-6 (giờ châu Âu), ESA đã nhận được tín hiệu từ robot Philae. ESA “nói chuyện” với Philae thông qua tàu mẹ Rosetta đang bay gần sao chổi 67P trong khoảng 85 giây và robot thăm dò này đã gửi 300 gói dữ liệu về Trái đất.
Dự kiến Philae sớm gửi thêm cho ESA 8.000 dữ liệu khác. Nhiệm vụ kế tiếp của các chuyên gia ESA là xác định chính xác vị trí của Philae trên sao chổi 67P. ESA hi vọng robot Philae sẽ khoan sâu vào bề mặt sao chổi để nghiên cứu cấu trúc bên trong của nó.
ESA mất liên lạc với robot Philae vào ngày 15-11-2014 sau khi nó hạ cánh xuống vùng tối của sao chổi 67P nên không nhận được năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Sau 60 giờ hoạt động, Philae hết pin và rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
Khi đó ESA đã dự báo Philae sẽ tỉnh giấc khi sao chổi 67P bay vào khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cũng có lo ngại rằng robot thăm dò này đã bị đông cứng bởi nhiệt độ trên bề mặt sao chổi 67P là -101 độ C.
Nhưng giờ Philae đã tỉnh lại. ESA cho biết trên thực tế việc robot Philae “ngủ đông” lại là điều may trong cái rủi. Nếu Philae đáp xuống đúng vị trí như kỳ vọng ban đầu, nó sẽ chỉ có thể hoạt động đến tháng 3-2015 bởi hệ thống pin mặt trời sẽ rơi vào tình trạng quá nóng.
Nhưng nhờ được che chắn, Philae giờ có thể hoạt động dù sao chổi 67P đang tiến gần hơn tới phía mặt trời. “Điều may mắn là giờ chúng ta đang hướng tới một thời điểm rất thú vị trong cuộc đời của sao chổi” - tiến sĩ Mark McCaughren, cố vấn của ESA, cho biết.
Sao chổi 67P sẽ tiến gần tới mặt trời nhất vào ngày 13-8. Tiến sĩ McCauhren cho biết robot Philae có thể hoạt động được bốn tháng nữa. Tàu Rosetta sẽ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 9-2016.
TTO