Tại sao hình xăm tồn tại vĩnh viễn trên cơ thể

Cập nhật ngày: 07/04/2016 06:28:54

Những hình xăm thường tồn tại mãi mãi trên cơ thể do mực xăm ngấm sâu vào lớp hạ bì và rất khó rửa trôi.


Mực xăm thấm vào lớp hạ bì và rất khó rửa trôi. Ảnh: Pinterest.

Theo Independent, cơ chế vận hành phức tạp của cơ thể giữ cho da không bị nhiễm trùng và chính quá trình tương tự cho phép mực in lưu lại vĩnh viễn trên da. Thông thường, một vật chất bất kỳ rất khó bám vào da. Cơ thể người loại bỏ 40.000 tế bào da mỗi giờ, tương ứng với khoảng 1.000.000 tế bào mỗi ngày. Mọi thứ vẽ trên da sẽ dễ dàng bong tróc hoặc rửa trôi.

Tuy nhiên, hình xăm được thực hiện bằng cách dùng súng bắn mực xăm qua lớp da ngoài cùng (biểu bì) để vào lớp hạ bì nằm sâu bên dưới, giúp mực xăm không bị rửa trôi. Cụ thể, những chiếc kim nhỏ mang mực xăm được châm rất nhanh qua da, đưa mực xăm vào sâu bên trong các sợi và dây thần kinh ở hạ bì.

Việc châm kim vào da tạo ra vết thương và cơ thể phản ứng lại theo cơ chế bình thường. Hệ thống miễn dịch phản ứng trước sự tấn công bằng cách đưa tế bào đến chỗ vết thương và tiến hành chữa lành phần da bị tổn hại. Quá trình có vẻ đau đớn, nhưng chính cơ chế này giúp cho hình xăm bám lâu trên da.

Các tế bào, còn gọi là đại thực bào, di chuyển đến khu vực vết thương và bắt đầu ăn mực xăm lưu tại đó. Những tế bào và bộ phận khác của da như nguyên bào sợi, cũng hút mực xăm. Chúng bị mắc kẹt giữa lớp hạ bì và có thể nhìn thấy qua da.

Một phần mực in ngấm vào lớp biểu bì bên trên và bị rửa trôi. Đây là lý do quá trình xăm bao gồm một khoảng thời gian để da liền lại, và cơ thể cần 2 - 4 tuần để tự chữa lành.

Cơ thể liên tục chống lại loại mực xâm nhập trong suốt cuộc đời, có nghĩa những hình xăm sẽ mờ dần theo thời gian và quá trình này được các yếu tố như ánh sáng Mặt Trời thúc đẩy.

Ngày nay, người xăm có thể sử dụng tia laser để xóa hình xăm vĩnh viễn. Tia laser sẽ tiến sâu vào da, chia đoạn mực thành nhiều phân tử nhỏ dễ dàng bị đại thực bào tiêu diệt.

Phương Hoa/VNE

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn