Thành phố cổ khổng lồ dưới đáy biển
Cập nhật ngày: 02/09/2015 23:01:28
Một nhóm chuyên gia khảo cổ tìm thấy tàn tích của thành phố khổng lồ thời đồ đồng dưới đáy biển Aegea ở Địa Trung Hải.
Khu vực tàn tích thuộc thời đồ đồng, có niên đại 4.500 năm, bao phủ diện tích hơn 48.500 km2, bao gồm nhiều công trình phòng ngự, mặt thềm, lối đi, ngọn tháp, đồ gốm sứ, công cụ và các vật tạo tác khác.
Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Geneva, Thụy Điển và Trường Khảo cổ Thụy Sĩ phát hiện thành phố khổng lồ ở vịnh Kiladha trên bán đảo Peloponnese phía nam Athens khi đang tìm kiếm dấu tích ngôi làng cổ nhất châu Âu.
Theo Spero News, các nhà nghiên cứu xác định một loạt nền nhà hình móng ngựa cạnh chân tường có thể là một phần của những tháp canh bảo vệ thành phố. Các kiến trúc thời kỳ đồ đồng này rất độc đáo và chưa từng được phát hiện trước đây.
Giáo sư Julien Beck ở Đại học Geneva cho biết, phát hiện về thành phố cổ đại có tầm quan trọng lớn bởi số lượng và chất lượng các vật tạo tác thu được, bao gồm đồ gốm, gốm đỏ, công cụ đá và những lưỡi rìu thuộc thời Helladic (năm 3200 – 2050 trước CN).
Các nhà khoa học đã thu thập hơn 6.000 đồ tạo tác từ khu vực tàn tích. Những lưỡi rìu có nguồn gốc từ đá núi lửa trên đảo Milos ở quần đảo Cyclade, nơi con người đến sống từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Theo International Business Times, nhóm nghiên cứu hy vọng những món đồ tạo tác sẽ cho phép họ nghiên cứu sâu hơn về thương mại, hàng hải và cuộc sống ở thời kỳ đó.
Những bức tường ở khu tàn tích được xây cùng thời với kim tự tháp Giza (năm 2600 – 2500 trước CN) cũng như nền văn minh Cyclade (năm 3200 – 2000 trước CN). Tuy nhiên, chúng đã tồn tại 1000 năm trước Mycenae, nền văn minh lớn đầu tiên của Hy Lạp.
VNE