Thắp lửa tinh thần đam mê sáng tạo
Cập nhật ngày: 17/12/2023 16:37:41
ĐTO - Thời gian qua, Đồng Tháp luôn tạo điều kiện thuận lợi với nhiều “sân chơi” bổ ích dành cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Với đòn bẩy này, nhiều công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần đam mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Giải pháp “Quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch” của nhóm tác giả Nguyễn Tố Mai, Sỹ Thị Thế, Phạm Thị Quỳnh Trâm, Trần Hồng Tâm đến từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp nhận giải Nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ 17, năm 2022 - 2023
TUỔI NHỎ LÀM VIỆC NHỎ
Xuất phát từ mong muốn khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho các bạn học sinh, em Đặng Nguyễn Khánh Bình (SN 2013) - học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Bình Thạnh 1, TP Hồng Ngự đã sáng tạo ra mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái”. Với ý tưởng độc đáo, mô hình xuất sắc đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ 16, năm 2023.
Theo em Bình, thời gian qua, số lượng học sinh đến thư viện mượn sách vào giờ ra chơi khá nhiều nên các bạn phải chờ đợi lâu mới nhận được sách. Vì vậy, em Bình nảy ra ý tưởng sáng chế xe thư viện di động để hỗ trợ các bạn cùng trang lứa tiếp cận được các đầu sách nhanh chóng.
Từ đầu năm học 2022 - 2023, em Bình có ý tưởng và mạnh dạn thiết kế mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái” đưa vào hoạt động dưới sân trường để giới thiệu sách mới và thu hút các bạn đọc sách nhiều hơn.
Theo đó, “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái” được tận dụng từ xe ô tô điện cũ, hoạt động theo nguyên lý điều khiển từ xa. Xe thư viện thân thiện tra cứu sách theo mã màu và có thể chở được hơn 300 quyển sách. Xe thư viện được bố trí chạy trong sân trường vào đầu giờ trước khi vào học và giờ ra chơi, các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong tuần. Qua thực tế đưa vào sử dụng tại trường, mô hình tạo sự hứng thú, thu hút 150 học sinh tham gia đọc sách/ngày.
Đây còn là sản phẩm thân thiện với môi trường, có thùng rác, giúp học sinh có ý thức phân loại rác đem đi đốt và rác bán phế liệu. Mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái” giúp em Bình và các bạn học sinh được tiếp cận được nhiều tri thức mới, say mê đọc sách hơn...
Là giáo viên chủ nhiệm và hướng dẫn em Bình thực hiện mô hình, cô Hồ Thị Huyền Trân - giáo viên Trường Tiểu học Bình Thạnh 1, TP Hồng Ngự, cho biết: “Tuy tuổi nhỏ nhưng em Bình có niềm đam mê sáng tạo. Mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái” từ khi được áp dụng giúp mang lại hiệu quả cao trong việc đọc và nghiên cứu sách của các em học sinh. Ngoài ra, mô hình còn kết hợp được thùng rác lưu động vừa giúp các bạn học sinh mượn sách đọc thuận tiện vừa bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Em Đặng Nguyễn Khánh Bình - học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Bình Thạnh 1 thông tin, chia sẻ về mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái”
NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM TỪ ẾCH
Những năm qua, nghề nuôi ếch được đánh giá là loại hình chăn nuôi phát triển mạnh, mang lại lợi nhuận cho người nông dân, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò. Trên tinh thần hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi ếch, Nhóm tác giả: Nguyễn Tố Mai, Sỹ Thị Thế, Phạm Thị Quỳnh Trâm, Trần Hồng Tâm - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cùng nhau thực hiện giải pháp “Quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch”, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ ếch, nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra cho nghề nuôi ếch. Giải pháp này xuất sắc nhận giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 17, năm 2022 - 2023.
Theo cô Nguyễn Tố Mai, thời gian qua, sản phẩm ếch thương phẩm chủ yếu được các cơ sở thu mua, sơ chế, lấy phần đùi cung ứng cho Siêu thị Bách Hóa Xanh và các cơ sở đông lạnh ngoài tỉnh. Theo tìm hiểu tại các cơ sở sơ chế, ngoài đùi ếch, các phần loại thải (thân ếch, ruột ếch, da ếch) còn rất nhiều. Điều này dẫn đến sự hao hụt rất lớn về nguồn nguyên liệu và chưa phát huy hết tiềm năng của ếch thương phẩm.
Mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái” thu hút các em học sinh tham gia đọc sách
Trước vấn đề này, cô Mai cùng nhóm tác giả chủ động nghiên cứu giải pháp “Quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch” nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ ếch. Trong đó, tận dụng nguồn nguyên liệu là những con ếch có vết bầm ở đùi, ếch nhỏ để chế biến các sản phẩm như khô ếch, đùi ếch tẩm bột, ếch sốt sa tế đóng hộp. Đối với phần thân ếch được các cơ sở bán ra với giá thấp lại là nguồn nguyên liệu chứa hàm lượng protein cao, phù hợp để chế biến chả ếch. Đối với phần da và bao tử ếch được tận dụng chế biến thành sản phẩm snack.
Sau thời gian nghiên cứu và hoàn chỉnh quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch, nhóm nghiên cứu chuyển giao cho Cơ sở chế biến Nghĩa Dung ở xã Bình Hàng Tây. Theo đại diện Cơ sở chế biến Nghĩa Dung, quy trình sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch như: đùi ếch tẩm bột đông lạnh, khô ếch, snack da ếch, snack bao tử, ếch sốt sa tế đóng hộp, chả ếch phù hợp với điều kiện của hộ nông dân. Các sản phẩm này có tính cạnh tranh trong thương mại. Điều quan trọng là tận dụng các phụ phẩm, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho cơ sở và giải quyết được vấn đề môi trường. Đồng thời, việc đa dạng hóa sản phẩm giúp đầu ra của ếch thương phẩm ổn định hơn, kinh tế của người nuôi ếch được tăng cao...
NHẬT NAM