Tiêu chuẩn ISO 50001: 2018 - Hệ thống quản lý năng lượng
Cập nhật ngày: 27/07/2023 10:29:36
ĐTO - Các tổ chức, doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm hơn đến việc giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Có nhiều yếu tố hình thành chi phí, trong đó chi phí năng lượng khá lớn. Các tổ chức, DN không thể kiểm soát được giá cả của các nguồn năng lượng, các chính sách của Chính phủ hay toàn bộ nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, họ có thể cải thiện phương pháp quản lý năng lượng nhằm giảm chi phí năng lượng tiêu thụ bằng việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 50001: 2018.
Tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dành cho mọi loại hình thuộc các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau (Ảnh: Internet)
ISO 50001 là gì?
ISO 50001 là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả. Tiêu chuẩn này thường dựa vào dữ liệu và các sự kiện để đưa ra bộ hệ thống có tổ chức nhằm quản lý năng lượng và đưa ra những yêu cầu cho một quá trình có hệ thống. Việc nắm kỹ các nội dung của tiêu chuẩn và vận dụng một cách chính xác sẽ giúp các tổ chức, DN tiết kiệm được năng lượng, giảm thiểu chi phí tối đa và đạt được mục tiêu lâu dài.
Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001
Cũng giống như các tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý ISO khác, tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dành cho mọi loại hình thuộc các tổ chức, DN khác nhau. Tiêu chuẩn này không cố định yêu cầu và mục tiêu cụ thể, bất kể tổ chức có quy mô, hoạt động Nhà nước hay tư nhân, vị trí địa lý... đều có thể sử dụng được hệ thống quản lý năng lượng thuộc tiêu chuẩn ISO 50001.
Mục tiêu chính của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 là giúp các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn (Ảnh: Internet)
Mục tiêu của ISO 50001
Mục tiêu chính của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 là giúp các DN sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn, quản lý năng lượng được thuận tiện và minh bạch. Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO 50001 còn giúp thúc đẩy các hoạt động quản lý năng lượng trở nên tốt hơn, hỗ trợ việc đánh giá và đưa ra những công nghệ tiết kiệm năng lượng mới. Thêm nữa, tiêu chuẩn này còn giúp hệ thống quản lý năng lượng trở nên đơn giản hơn nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính hiện nay.
ISO 50001 được thiết kế dựa trên chu trình PDCA, bao gồm hoạch định, thực hiện, kiểm tra và cải tiến (Ảnh: Internet)
Quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2018
Để hệ thống quản lý năng lượng đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý khác, ISO 50001 được thiết kế dựa trên chu trình PDCA. Chu trình này bao gồm các quá trình như: hoạch định, thực hiện, kiểm tra và cải tiến. Qua đó, các tổ chức vẫn có thể áp dụng được tiêu chuẩn ISO một cách riêng lẻ hoặc kết hợp với các hệ thống quản lý khác đều được.
Thiết lập chính sách năng lượng
Chính sách năng lượng chính là các cam kết của nhà lãnh đạo về việc tiêu thụ năng lượng, nhằm đạt được sự cải tiến về hiệu quả và hiệu suất sử dụng năng lượng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của DN cũng cam kết tuân thủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Hoạch định năng lượng
Hoạch định năng lượng hay còn được hiểu là quá trình thiết lập kế hoạch quản lý năng lượng với những nội dung cơ bản như: xác định các yêu cầu và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; cân nhắc và xem xét năng lượng; xác định đường năng lượng cơ sở và các yếu tố khác như: chỉ số hiệu suất năng lượng, mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch quản lý các hoạt động sử dụng năng lượng.
Thực hiện
Trong giai đoạn thực hiện, các tổ chức và DN cần triển khai các hoạt động nhằm quản lý và điều hành dựa trên các kết quả nghiên cứu được của quá trình hoạch định năng lượng. Việc tổ chức các hoạt động trên giúp năng lượng được sử dụng có hiệu quả hơn.
Kiểm tra
Trong giai đoạn kiểm tra, tổ chức tiến hành các hoạt động nhằm đo lường và đánh giá hiệu suất sử dụng năng lượng của họ trong khoảng thời gian vừa qua như thế nào. Sau đó, DN sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động khác dựa vào kết quả đánh giá như trên.
Xem xét
Giai đoạn xem xét do các nhà lãnh đạo cấp cao quyết định. Những nhà lãnh đạo cấp cao thường có vai trò quan trọng trong việc xem xét định kỳ hệ thống quản lý năng lượng, bởi việc xem xét thường xuyên sẽ giúp đảm bảo hệ thống phù hợp với tiêu chuẩn và duy trì bền vững về sau.
Lợi ích của việc quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2018
Việc chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 sẽ mang đến cho các DN, tổ chức nhiều lợi ích khác nhau. Tiêu chuẩn này giúp DN chứng nhận rằng, DN đang làm việc có kế hoạch và chiến lược để giảm việc lãng phí năng lượng và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Những lợi ích của việc quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 có thể kể đến như:
Tạo được khuôn khổ để hỗ trợ cho việc quy định, thực hiện, vận hành và duy trì hệ thống quản lý năng lượng toàn diện, tạo thêm giá trị (cho khách hàng, các bên quan tâm và cho chính tổ chức), nhất quán và đồng bộ các hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu của tổ chức, DN.
Hỗ trợ cho lãnh đạo của tổ chức, DN trong việc quản lý và vận hành một cách nhất quán, có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý về năng lượng dựa trên nền quản lý các rủi ro của tổ chức, DN, kể cả việc giáo dục và đào tạo cho các chủ thể của hệ thống và các quá trình nghiệp vụ trong tổ chức DN về quản lý năng lượng.
Giảm tác động xấu đến môi trường, chẳng hạn như thải khí nhà kính nhưng không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác mà vẫn có thể thu được lợi nhuận.
Cải tiến và nâng cấp liên tục hệ thống quản lý năng lượng.
Đảm bảo DN có thể đo lường, báo cáo và đánh giá về mức độ tiêu thụ năng lượng.
Tăng cơ hội khi đấu thầu nếu trình bày tốt thông tin về môi trường.
Cải thiện và nâng cao hình ảnh của DN, giúp khách hàng và đối tác có thêm niềm tin vào DN...
Mỹ Nhân (lược ghi)