Tranh cãi gay gắt xung quanh việc nhân bản vô tính voi mamút

Cập nhật ngày: 21/11/2014 05:16:53

Những tranh cãi gay gắt về việc nhân bản vô tính voi mamút lại một lần nữa bùng lên sau nỗ lực mới nhất của các nhà khoa học Hàn Quốc nhằm hồi sinh loài động vật này. 


Các nhà khoa học Hàn Quốc tin rằng loài "Mammuthus" đã tuyệt chủng có thể lại được nhìn thấy một lần nữa bằng việc nhân bản từ DNA lấy từ xác một con voi mamút được bảo quản ở điều kiện hoàn hảo trong băng tuyết ở Siberia.


Voi mamút sẽ lại tái xuất hiện


Insung Hwang, một nhà khoa học gen ở công ty công nghệ sinh học Sooam của Hàn Quốc hiện đang thực hiện dự án này cho biết việc hồi sinh voi mamút từ những mẫu máu mà họ đang sở hữu là một mục tiêu có thể đạt được.

"Chúng tôi đang nỗ lực để đưa voi mamút trở lại với thời đại của chúng ta," ông Hwang cho biết.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác lại phản đối ý tưởng hồi sinh một sinh vật đã tuyệt chủng. Tiến sỹ Tori Herridge, một nhà sinh vật học cổ đại, chuyên gia về voi mamút thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên kể lại khoảnh khắc khi cô lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt xác con voi mamút có biệt danh Buttercup ở Siberia là "một trong những trải nghiệm khó tin nhất đời tôi." 

Nhưng tiến sỹ Herridge cũng cho rằng quá trình nhân bản voi mamút là một điều độc ác, và những lợi ích từ việc hồi sinh loài vật này không thể che khuất các vấn đề về đạo đức.

Theo tiến sỹ Herridge, để tạo ra một con voi mamút cần một con voi thường mang thai trong 22 tháng trước khi sinh ra một sinh vật có thể sẽ chết non hoặc làm hại đến con mẹ.
 
"Điều cơ bản và mối lo ngại về mặt đạo đức ở đây chính là chúng ta cần một con voi cái châu Á mang thai voi mamút con. Để nhân bản vô tính voi mamút, chúng ta sẽ phải làm thí nghiệm trên rất nhiều con voi châu Á. Tôi không nghĩ đây là điều đáng làm - chẳng có lý do nào phù hợp cả."

Jack Asby, giám đốc Bảo tàng Động vật học thuộc Đại học London cũng ủng hộ quan điểm này trên trang Twitter cá nhân: "Không có lý do thích hợp nào để nhân bản voi mamút và có quá nhiều lý do để không làm việc này, bao gồm cả việc ép những con voi cái phải mang thai."

Một con voi mamút mới sinh sẽ lập tức được coi là một sinh vật đang gặp nguy hiểm, cũng như phải đổi mặt với môi trường sống hiện đại cũng như cuộc sống bị nuôi nhốt. Theo các nhà nghiên cứu, mamút là vốn là loài có cuộc sống bầy đàn, do đó con voi mamút mới sinh nhiều khả năng sẽ phải sống cô đơn đến hết đời.


Nhóm nghiên cứu ở Hàn Quốc thừa nhận việc nhân bản voi mamút sẽ là một quá trình dài hơi và tốn kém, và những gì còn sót lại của xác voi Buttercup có cung cấp đủ số mẫu máu cần thiết không vẫn chưa được làm rõ. Nhưng một con voi mamút được nhân bản sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về loài sinh vật này.

Giáo sư Ian Wilmut ở Edinburgh, người đứng sau thành công của việc nhân bản vô tính cừu Dolly tin rằng việc hồi sinh voi mamút là một nỗ lực đáng để thử. "Tôi nghĩ là chúng ta có thể thực hiện điều này, miễn là chúng ta có thể chăm sóc con vật trong điều kiện tốt nhất. Nếu công việc này có nhiều triển vọng, chúng ta nên thực hiện. Chúng ta có thể biết thêm rất nhiều về voi mamút."

Buttercup được tìm thấy trên đảo Malyi Lyakhovsky hồi tháng 5/2013 với ba chân, hầu hết phần thân và một phần đầu cùng vòi. Sau khi phát hiện Buttercup, các nhà khoa học xác định cô voi mamút này đã sống cách đây khoảng 40.000 năm, từng sinh 8 con và qua đời khi khoảng 50 tuổi. Buttercup có kích thước tương đương một con voi châu Á, tức là nhỏ hơn nhiều so với kích thước nhiều người thường nghĩ về voi mamút.

Tiến sỹ Hwang cho biết một số viện nghiên cứu khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên các mẫu máu lấy từ Buttercup để tìm ra một mẫu nhân tế bào nguyên vẹn, bao gồm bộ gen hoàn chỉnh có thể dùng trong nhân bản vô tính. Tiến sỹ Hwang cũng hy vọng những tranh luận về mặt đạo đức có thể diễn ra một cách nghiêm chỉnh.

"Có nhiều câu hỏi đặt ra về mặt đạo đức mà chúng tôi cần cân nhắc. Vì thế chúng ta cần phải bắt đầu thảo luận các vấn đề này ngay."

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn