Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Cập nhật ngày: 23/11/2012 13:35:41
Năm 2012, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, làm cho người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Cần tuyên truyền để người nuôi vịt chạy đồng chấp hành tốt việc tiêm phòng
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa chủ động được nguồn cung cấp vắc xin phục vụ tiêm phòng; giá bán một số loại vắc xin khá cao, số lượng do Trung ương phân bổ còn hạn chế, chưa kịp thời; người chăn nuôi còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tình trạng giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, nên công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi chưa đạt kế hoạch đề ra.
Hiện nay, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân chưa ý thức khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y, gây khó khăn trong công tác quản lý đàn và tổ chức tiêm phòng; khi có dịch bệnh xảy ra, người dân thường giấu dịch, tự điều trị hoặc bán chạy nên việc phát hiện dịch bệnh và xử lý kịp thời gây rất nhiều khó khăn.
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, năm 2013 Sở NN&PTNT đề ra chỉ tiêu 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm; 40.000 con chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại; 80% số gia súc, gia cầm được tiêm phòng các bệnh thường kỳ khác như: dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, tai xanh, newcastle, grumboro... Với tổng kinh phí thực hiện hơn 18,3 tỷ đồng.
Đối với gia súc được tổ chức tiêm phòng hai đợt chính trong năm và sau đó tiếp tục tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi. Đối với gia cầm, tổ chức tiêm phòng thường xuyên theo tháng, những gia cầm nuôi mới, gia cầm đến tuổi tiêm phòng, hết hạn miễn dịch và đến kỳ tiêm phòng nhắc lại sẽ được rà soát và tổ chức tiêm phòng theo quy định.
Ngoài việc tổ chức tập huấn bổ sung kỹ thuật tiêm phòng, cách sử dụng và bảo quản vắc xin, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ thú y các địa phương chưa được tập huấn, các hộ chăn nuôi có quy mô công nghiệp và bán công nghiệp, Sở NN&PTNT đề nghị các xã, thị trấn thành lập các tổ tiêm phòng để thực hiện công tác tiêm phòng, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi chấp hành tốt việc tiêm phòng, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương.
AQ