Mỹ phẩm Việt cần có hướng đi phù hợp

Cập nhật ngày: 21/11/2012 05:10:48

Nhiều năm qua, sản phẩm Việt từng bước khẳng định mình bằng chất lượng và mẫu mã bắt mắt được người tiêu dùng trong và ngoài nước sử dụng... Mỹ phẩm Việt cũng không ngoại lệ, tuy nhiên để có thị trường rộng hơn thì mỹ phẩm Việt còn phải quan tâm đến khâu quảng bá sản phẩm và có nhiều kênh phân phối hàng hóa...

Thay đổi để phát triển


Theo những người kinh doanh mỹ phẩm, thời gian trước, mỹ phẩm nước ngoài tràn vào thị trường chiếm thị phần rất lớn, từ đó mỹ phẩm Việt hầu như ít người biết tới. Tuy nhiên, hiện tại mỹ phẩm Việt từng bước khẳng định mình bằng chất lượng và sự thay đổi phù hợp cùng với giá cả vừa túi tiền người tiêu dùng

Hiện nay, mỹ phẩm Việt Nam được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như: Thoarakao, Lana, Titione, Vedette, Việt Hương (E100), Biona... cho nhiều phương diện làm đẹp tóc, chăm sóc da mặt, mặt nạ, keo xịt tóc, phấn....

Chủ cửa hàng mỹ phẩm Ngọc Nhiên - thị xã Sa Đéc cho biết: “Mặc dù trên thị trường mỹ phẩm là mặt hàng được cạnh tranh gay gắt nhưng mỹ phẩm Việt vẫn đủ sức “tỏa sáng”. Minh chứng cho điều này, hiện tại khách hàng đã tìm đến hàng Việt thay vì trước đây họ sử dụng mỹ phẩm nước ngoài. Thời gian trước, các sản phẩm ít có cải tiến nhưng hiện nay hầu hết đều có sự thay đổi lớn về chất lượng, mẫu mã bắt mắt hơn rất nhiều lần.”

Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm có hoạt chất từ thiên nhiên, các nhà sản xuất mỹ phẩm Việt đã làm hài lòng khách hàng khi cho ra các mặt hàng phù hợp như nha đam, nghệ... rất thành công. Các nhà sản xuất còn khai thác tốt lợi thế nguyên vật liệu phong phú của địa phương để sản xuất mỹ phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường vừa hạ giá thành, mang tính cạnh tranh.

Chị Nguyễn Ngọc Hiếu, thị xã SaĐéc nói: “Là người kỹ tính nên tôi quan tâm đến việc chọn lựa mỹ phẩm làm đẹp phù hợp. Da mặt tôi thường bị nổi mụn, trước đây tôi đã phải tốn khá nhiều tiền để điều trị bằng sản phẩm nước ngoài nhưng không thấy hiệu quả. Sau đó, được bạn bè giới thiệu sử dụng sữa rửa mặt nghệ và kem nghệ của Thoarakao, mặt tôi giảm hẳn mụn. Sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên nên tôi rất yên tâm sử dụng”.

Vẫn còn nhiều gian nan

Trước sức ép của nhu cầu thị trường, các hãng mỹ phẩm Việt đều hướng đến mục đích chăm sóc khách hàng tốt nhất, tuy nhiên ngoài việc thay đổi chất lượng mẫu mã thì cần có những yếu tố khác như truyền thông, kênh phân phối, tạo dấu ấn riêng... để mỹ phẩm Việt và người tiêu dùng kết chặt hơn.

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, hàng Việt vẫn chiếm diện tích khá khiêm tốn và thiếu cầu nối thông tin với người tiêu dùng. Mặt khác, do người tiêu dùng chưa thoát khỏi tâm lý chuộng hàng ngoại cũng khiến cho việc tiêu thụ mỹ phẩm Việt chưa cao. Chủ tiệm uốn tóc Quỳnh Dung ở phường 6, TP. Cao Lãnh cho biết: “Nhiều khách hàng đến tiệm để làm đẹp nhưng khi tôi dùng mỹ phẩm Việt thì họ không hài lòng, do họ nghĩ sản phẩm chưa tương xứng với số tiền bỏ ra, nên tôi phải chiều lòng khách hàng bằng việc thay thế sản phẩm ngoại”.

Ngoài ra, kênh phân phối cho mỹ phẩm Việt hầu như chưa rộng khắp, nhiều người sau khi tìm hiểu và sử dụng hiệu quả muốn tìm mua lại sản phẩm để sử dụng cũng khá vất vả. Vì vậy để khẳng định mình trên thị trường trong và ngoài nước, mỹ phẩm Việt cần có những phương hướng, kế hoạch nhằm tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn