Chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc, cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp

Cập nhật ngày: 10/06/2013 05:08:09

Ông Phạm Quang Tuyến (SN 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian đầu, ông Tuyến nuôi ba ba, sau đó phong trào nuôi cá tra “lên ngôi” nên ông chuyển sang nuôi cá tra. Tuy nhiên, qua nhiều năm nuôi cá tra không đạt hiệu quả, ông Tuyến tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp phát triển nuôi cá lóc và thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp.


Ông Tuyến là người đi tiên phong chuyển đổi thành công nuôi cá lóc
và thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp

Năm 2008, ông thả nuôi 20 ngàn con cá lóc, vừa nuôi vừa nghiên cứu cách chuyển đổi thức ăn tươi sống từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp. Qua thời gian nuôi thử nghiệm, ông Tuyến nhận thấy, nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp cá vẫn phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, lợi nhuận khá. Chi phí để nuôi 1kg cá lóc thành phẩm mất khoảng 31.000 đồng/kg, giá bán cho thương lái là 37.000 đồng/kg, người nuôi còn lợi nhuận khoảng 6.000 đồng/kg.

Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp thành công, năm 2009, ông Tuyến bắt tay vào nuôi cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp trên vùng đất bãi bồi Cồn Ông (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò). Với diện tích gần 2ha, ông thả 400 ngàn con cá thát lát, sau hơn 7 tháng nuôi, ông thu hoạch được trên 300 tấn cá. Ông Tuyến cho biết: Với chi phí nuôi gần 45.000 đồng/kg cá thành phẩm, giá thị trường khoảng 70.000 đồng/kg, còn lãi khoảng 50%. Theo ông Tuyến, việc chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp cá nuôi vẫn phát triển bình thường, ít bệnh, không phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nước.

Mô hình nuôi thủy sản của ông Tuyến được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Mô hình này cũng được Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển nghề nuôi cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp” và được đánh giá cao.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn