Cơ khí Phan Tấn: Chọn hướng đầu tư, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm

Cập nhật ngày: 16/11/2012 13:23:18

Thành lập năm 1991, sau hơn 10 năm hoạt động và phát triển, Cơ sở cơ khí Phan Tấn vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Đồng Tháp về sản xuất và cung ứng máy cơ khí nông nghiệp. Bằng chứng cho sự thành công này là 2 sản phẩm của Phan Tấn được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam - năm 2012.


Ông Phan Tấn Bện bên chiếc máy gặt đập liên hợp PT-19

Tọa lạc tại chợ Đường Thét, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười, những ngày đầu mới thành lập, cơ sở Phan Tấn sản xuất những thiết bị máy móc thô sơ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp đơn giản của nông dân như: “đầu bò” bơm tưới, máy suốt lúa, máy hốt suốt lúa liên hợp... Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hội nhập, nhu cầu sử dụng thiết bị nông nghiệp hiện đại của người dân cũng nâng dần lên... Để đáp ứng nhu cầu đó, chủ cơ sở Phan Tấn - ông Phan Tấn Bện đã quyết tâm thực hiện ý tưởng: Thay thế máy nhập khẩu giá thành cao bằng thiết bị máy móc tự chế có giá thành tượng đối để người dân sử dụng.

Năm 2011, ông Phan Tấn Bện quyết định xây dựng trụ sở mới tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, trên diện tích 1ha, mở rộng xưởng sản xuất lên gấp 10 lần so với trước. Đồng thời, thiết kế và đầu tư trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại. Thời điểm này, chủ cơ sở Phan Tấn cũng bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực sản xuất máy gặt đập liên hợp để sản xuất một cách bài bản hơn, tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Phan Tấn Bện cho biết: Trong chế tạo cơ khí, hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu bởi tìm vốn đầu tư sản xuất không khó, công nghệ hiện đại cũng rất sẵn, song vấn đề quan trọng khi đã đầu tư thì sản phẩm đó có chỗ đứng trên thị trường hay không. Đặc thù của ngành cơ khí là đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn lâu, sản phẩm phải được chế tạo hàng loạt. Nhận thức rõ điều đó và nắm bắt xu thế thị trường, những năm qua, cơ sở đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dựa trên thế mạnh truyền thống là chế tạo cơ khí. Trong đó, chú trọng đầu tư những sản phẩm chất lượng, có nhu cầu lớn và đầu ra ổn định, thay thế hàng nhập khẩu, phù hợp với nhu cầu thực tế của người nông dân.

Để thực hiện mục tiêu đó, Cơ sở cơ khí Phan Tấn có cách làm riêng là kết hợp kinh nghiệm với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để cải tiến đột phá, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao. Để có thể cạnh tranh tốt bằng chất lượng và khả năng thích ứng của sản phẩm, cơ sở đặt ra mục tiêu bám sát đồng ruộng, nắm bắt tốt những thay đổi của nhu cầu thị trường.

Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở cơ khí Phan Tấn còn tăng cường đào tạo tay nghề cho gần 80 công nhân tại cơ sở. Bằng hình thức liên kết đào tạo với Trường Trung cấp Nghề Tháp Mười, những năm qua cơ sở Phan Tấn đã đào tạo được đội ngũ công nhân có tay nghề cao.

Với phương châm: “Uy tín, chất lượng được đặt lên hàng đầu, luôn cải tiến các loại máy để đạt hiệu quả cao”, cơ sở cơ khí Phan Tấn đã từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm máy nông nghiệp của cơ sở đã có mặt khắp các cánh đồng khu vực ĐBSCL, góp phần giảm lượng máy nhập khẩu. Một trong những thành công của cơ sở là 2 sản phẩm: máy gặt đập liên hợp PT-19, xe thu gom lúa trên đồng PT- CL3.5 được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) công nhận là 2/3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam - năm 2012.

Rõ ràng, nhờ chọn đúng hướng đầu tư, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, cơ sở cơ khí Phan Tấn vẫn trụ vững trên thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người nông dân. Ông Phan Tấn Bện cho biết: “Để cung ứng các loại máy móc tốt hơn cho nhu cầu sản xuất của người dân, cơ sở vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến các mẫu máy cho phù hợp với nhu cầu. Đồng thời, mở rộng thêm phân xưởng sơn và kho chứa máy thành phẩm, nhằm tiếp tục đưa ra thị trường những mặt hàng chất lượng đến tay người nông dân”.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn