Tháp Mười: Phát triển mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng
Cập nhật ngày: 12/11/2012 05:54:43
Là 1 trong những huyện đi đầu trong tỉnh về ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, những năm qua, huyện Tháp Mười không ngừng đổi mới các phương pháp canh tác lúa để tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho nông dân, trong đó việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giúp nông dân giảm thất thoát trên đồng ruộng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích.
Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Quý
Tính đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện có 672 máy cơ giới phục vụ trong khâu thu hoạch lúa và bảo quản sau thu hoạch, trong đó có 310 máy gặt đập liên hợp, 200 máy xếp dãy, 151 lò sấy, 11 máy hốt suốt, đảm bảo thu hoạch trên 65% diện tích đất nông nghiệp của huyện. Vào thời điểm thu hoạch rộ, có 1 số máy gặt đập liên hợp từ các địa phương khác chuyển đến làm dịch vụ, nên huyện có trên 95% diện tích đất được thu hoạch bằng máy, 10% sản lượng lúa cả năm qua sấy.
Ngoài ra, huyện còn có 377 máy cày, trên 1.000 máy xới, gần 3.300 công cụ sạ hàng, 90 máy gieo sạ và bón phân, đảm bảo 100% diện tích đất được cày xới, 70% diện tích đất được sạ hàng, 9% được bón phân bằng máy. Từ số lượng máy cơ giới trên, huyện đã áp dụng đồng bộ cơ giới từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun xịt thuốc, đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, từ đó giúp cho nông dân hạn chế lao động chân tay trong sản xuất lúa.
Ông Trần Bửu Hòa ở ấp 6A xã Trường Xuân cho biết, nếu so sánh với việc sản xuất lúa trước đây, thì hiện giờ làm lúa khỏe gấp trăm lần, giờ không còn cảnh phải thức khuya dậy sớm bơm nước, tới mùa thu hoạch phải mất khoảng 1 tuần mới đem được lúa vào nhà, tốn rất nhiều chi phí, còn bây giờ làm lúa không còn cực như trước.
Qua nhiều năm đổi mới phương pháp sản xuất, huyện Tháp Mười đã có những bước phát triển vượt bậc trong thực hiện cơ giới vào đồng ruộng, góp phần tăng sản lượng lúa của địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện tại, sản lượng lúa của huyện đạt 630.000 tấn/năm, không chỉ góp phần ổn định an ninh lương thực mà còn đóng góp rất lớn vào chỉ tiêu xuất khẩu lúa gạo của tỉnh nhà.
Nói về hiệu quả của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, ông Võ Văn Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: “Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, rút ngắn thời gian thu hoạch, đảm bảo xuống giống 3 vụ trong năm”.
Tiếp tục phát huy thế mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng cho những năm tiếp theo, huyện đang đẩy mạnh đầu tư máy cơ giới hóa phục vụ trong sản xuất, đưa công nghiệp về nông thôn, đặc biệt là công nghệ sấy lúa và kho chứa, giảm tối đa tổn thất trong sản xuất, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.
Minh Khánh