Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất
Cập nhật ngày: 01/06/2012 09:08:49
Từ năm 2008 đến nay, các chương trình, đề tài nghiên cứu công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống. Kết quả có 7 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học được triển khai gồm: phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; sản xuất phân hữu cơ từ phụ, phế phẩm nông nghiệp; lai tạo giống lúa mới; xử lý nước thải...
Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng nông sản
Bên cạnh các đề tài nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai thực hiện một số mô hình ứng dụng, nhiệm vụ khoa học trong chăn nuôi heo, rau màu và xử lý ô nhiễm môi trường, kỹ thuật ghép cây và sản xuất cây có múi sạch bệnh, ứng dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho một số cây trồng chính với mục đích thay thế một phần phân hóa học nhằm tăng độ phì cho đất và tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công nghệ trên vào lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, y học...
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu ứng dụng CNSH của tỉnh trong thời gian qua còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đội ngũ cán bộ có trình độ KHCN về CNSH còn rất ít, trong khi khả năng tạo thêm nguồn nhân lực bổ sung rất chậm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn cán bộ kỹ thuật nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNSH rất ít người được đào tạo cơ bản, trong khi đầu tư CNSH là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao và tập trung, thiết bị không ngừng đổi mới và đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ đào tạo chuyên sâu.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung ưu tiên phục vụ phát triển ứng dụng CNSH cho phát triển nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ môi trường. Trong thời gian này, tỉnh sẽ ứng dụng CNSH để tuyển chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu, có khả năng kháng rầy để đối phó với dịch vàng lùn, lùn xoắn lá. Đồng thời, đi vào hướng nghiên cứu dùng phương pháp chỉ thị phân tử (Marker) để tiến hành chọn giống kháng rầy nâu; đạo ôn, bạc lá, giống có mùi thơm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phương pháp nhân giống sạch bệnh đối với cây ăn trái, đặc biệt là nhóm cây có múi và ứng dụng CNSH để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học ngăn ngừa dịch bệnh trong canh tác rau, màu, cây ăn trái, tiến tới xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn, cây ăn trái an toàn theo hướng GAP...
Theo đó, tỉnh quan tâm trong công nghệ sau thu hoạch, chế biến và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn nông sản; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Enzym, vi sinh để sản xuất thức ăn cho các loại thủy sản chủ lực của tỉnh; phát triển các loại vắc xin, kháng nguyên để phòng bệnh cho cá, tôm cùng một số chế phẩm, hoạt chất sinh học để xử lý chất thải môi trường; có kế hoạch cụ thể hơn trong việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực về CNSH tạo điều kiện cho địa phương từng bước triển khai nhanh hơn việc ứng dụng CNSH vào phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, sẽ gắn kết với các đơn vị về CNSH khu vực ĐBSCL phối hợp tập trung giải quyết những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Để CNSH làm tiền đề và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội được bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung đầu tư các trang thiết bị chuyên sâu cho phòng phân tích thử nghiệm đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, kháng các dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ kỹ thuật được đi đào tạo chuyên sâu về CNSH phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai vào thực tiễn sản xuất.
Khánh Duy