Doanh nghiệp Đồng Tháp tham gia “đường đua” thương mại điện tử

Cập nhật ngày: 10/12/2024 13:45:55

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241210014652dt2-2.mp3

 

ĐTO - Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) có sự phát triển vượt bậc, trở thành kênh phân phối quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp (DN). Nhận thức rõ vai trò quan trọng của TMĐT trong việc mở rộng thị trường và tăng doanh thu, nhiều DN Đồng Tháp chủ động đưa sản phẩm lên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Việc tham gia vào “cuộc đua” TMĐT mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN tỉnh nhà, đặc biệt là các DN nhỏ và cơ sở sản xuất khu vực nông thôn...


Thương mại điện tử góp phần giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận thuận lợi với thị trường

Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký, Hiệp Hội TMĐT Việt Nam, thị phần giá trị giao dịch của các sàn TMĐT tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 166,49 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Shopee chiếm thị phần cao nhất với 116,12 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 là TikTok Shop với 37,6 nghìn tỷ đồng, Lazada 11,19 nghìn tỷ đồng, Tiki 1,58 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, để thu hút người dùng, các nền tảng mua sắm trực tuyến không ngừng phát triển và đưa ra nhiều giải pháp mua sắm thông minh, tiện lợi, mang đến nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng, nhờ đó giúp các nền tảng thu hút được lượng lớn khách hàng mới ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sự gia tăng lượng người dùng này tạo ra một thị trường rộng lớn, mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN vừa và nhỏ. Việc tham gia vào các sàn TMĐT giúp DN tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, giảm thiểu chi phí mặt bằng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Chị Lê Thị Mỹ Ngọc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tú Trinh Food, huyện Hồng Ngự, chia sẻ: “TMĐT thực sự là một “cú hích” lớn đối với công ty trong giai đoạn hiện tại. Với nguồn lực hạn chế của DN khởi nghiệp, việc tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua các nền tảng TMĐT giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing hơn so với phương pháp truyền thống. Không chỉ vậy, các công cụ phân tích dữ liệu trên các nền tảng này còn hỗ trợ chúng tôi hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. Nhờ sự phát triển của TMĐT, các sản phẩm bún, phở, bánh canh sấy dẻo của DN đến được gần hơn với người tiêu dùng”.

Phân tích thêm về những cơ hội khi mở rộng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, hiện nay, các xu thế kinh doanh mới trên TMĐT là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và áp dụng phương pháp livestream trở thành “cánh tay nối dài” đắc lực cho các DN vừa và nhỏ. Theo đó, việc ứng dụng AI vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ giúp DN tối ưu hóa quy trình, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu chính xác. Bên cạnh đó, hình thức livestream cũng là công cụ hiệu quả để tương tác trực tiếp với khách hàng, tạo ra những trải nghiệm mua sắm sống động và tăng cường độ tin tưởng. Nhờ đó, DN vừa và nhỏ có thể cạnh tranh ngang bằng với các DN lớn và mở rộng thị trường kinh doanh của mình.

Nắm vững “luật chơi” để kinh doanh hiệu quả

Mặc dù TMĐT hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển nhưng hiện nay, nhiều DN tại Đồng Tháp vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của kênh bán hàng này. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức chuyên sâu về TMĐT. Các DN chưa nắm vững quy định của các sàn, chưa khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến DN gặp khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến.

Chị Dương Thị Hồng Chuyên - đại diện Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Ba Khía Foods, huyện Tân Hồng, chia sẻ: “Trước đây, công ty chủ yếu kinh doanh truyền thống qua Website, Facebook và Zalo. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa tập huấn về TMĐT do Sở Công thương tổ chức, tôi nhận ra tiềm năng to lớn của các sàn TMĐT lớn. Việc ứng dụng AI, xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp thông qua video là một hướng đi đúng đắn để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm và DN. Tuy nhiên, để kinh doanh thành công trên các nền tảng này, các DN cần trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên sâu. Đơn cử như việc định giá sản phẩm trên kênh online và truyền thống có những khác biệt đáng kể. Do đó, việc nghiên cứu kỹ lưỡng về các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả như chi phí vận chuyển, cạnh tranh, tâm lý khách hàng là điều vô cùng quan trọng”.

Chị Dương Thị Hồng Chuyên đề xuất: “Tôi hi vọng, để hỗ trợ DN có điều kiện tiếp cận và khai thác tốt hơn kinh doanh thông qua các nền tảng TMĐT, cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo chuyên sâu, đặc biệt tập trung vào các kỹ năng như: xây dựng chiến lược marketing trên nền tảng số, quản lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng và tối ưu hóa quảng cáo... Bên cạnh đó, việc kết nối DN với các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cũng là giải pháp hiệu quả giúp DN giải quyết những khó khăn và nắm bắt cơ hội”.

Chia sẻ về định hướng phát triển TMDT tại tỉnh Đồng Tháp, bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công thương cho biết, Đồng Tháp rất quan tâm đến việc tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT phát triển. TMĐT trở thành một động lực quan trọng, tạo ra những thay đổi tích cực trong nền kinh tế. Để tận dụng tối đa cơ hội TMĐT mang lại, Đồng Tháp đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, tỷ lệ DN và hợp tác xã của Đồng Tháp tham gia TMĐT lên đến 94%,  sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn TMĐT đạt 100%. Đặc biệt, tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến tăng lên 48%, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường này. Bên cạnh những thành công vẫn còn một số hạn chế như doanh số bán hàng trên kênh TMĐT chưa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do trình độ và kỹ năng của DN, nhất là các DN vừa và nhỏ còn hạn chế.

Nhận thức rõ những tồn tại trên, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục. Trong thời gian tới, ngành công thương tập trung vào việc nâng cao năng lực cho DN, hợp tác xã thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu. Các chương trình này sẽ trang bị cho DN những kiến thức và kỹ năng cần thiết như: xây dựng thương hiệu trên nền tảng số, tổ chức livestream hiệu quả, tiếp thị trực tuyến và đặc biệt là khai thác thị trường xuất khẩu trực tuyến... Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ tạo điều kiện để các DN kết nối với các sàn TMĐT lớn, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ triển lãm trực tuyến. Với những giải pháp cụ thể và quyết tâm cao, Đồng Tháp đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng doanh số bán hàng trên kênh TMĐT mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN địa phương, góp phần đưa sản phẩm của Đồng Tháp đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn