Đồng Tháp triển khai cơ cấu lại nền kinh tế phát huy hiệu quả
Cập nhật ngày: 07/12/2024 05:11:56
ĐTO - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai Chỉ thị số 19 ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) cùng Đoàn công tác của tỉnh khảo sát thực tế tại Cụm Công nghiệp Cái Tàu Hạ - An Nhơn, huyện Châu Thành
UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 377 ngày 7/11/2022 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn với 17 chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành phố ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép vào Chương trình công tác, chương trình hành động hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.
Qua hơn 3 năm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế phục hồi toàn diện sau dịch Covid-19. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, ước năm 2024 đạt hơn 124 nghìn tỷ đồng. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2024 ước đạt 6,01%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao nhất ước đạt 8,95%; khu vực thương mại - dịch vụ ước đạt 6,83%; khu vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng ước đạt 3,05%.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả đáng khích lệ, chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tiếp tục được khẳng định qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu, tiếp nối chuỗi PCI 16 năm liên tiếp trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc dẫn đầu cả nước. Qua đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hấp dẫn cho các thành phần kinh tế đến Đồng Tháp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong năm 2024, tỉnh đã thu hút 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 5.450 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 78,68 tỷ đồng.
Chất lượng giáo dục và đào tạo đạt kết quả tích cực tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức tối thiểu trở lên tại các cấp học tiếp tục tăng, đặc biệt TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh được công nhận Thành phố học tập toàn cầu. Viên chức các cấp học ngành giáo dục tỉnh đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019, đạt trên 90%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT duy trì ở mức cao. Ước đến cuối năm 2024, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm của tỉnh hơn 876.300 người (tăng hơn 27.000 người so với năm 2023).
Năm 2024, năng suất lao động của tỉnh Đồng Tháp được cải thiện khá tốt, theo giá hiện hành ước đạt 142 triệu đồng/lao động (tăng hơn 15 triệu đồng/lao động so với năm 2023). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động năm 2024 ước đạt hơn 74,7 triệu đồng/lao động (tăng hơn 3,8 triệu đồng/lao động so với năm 2023). Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 ước đạt 12% (năm 2023 đạt 9,8%).
Liên quan đến thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39 ngày 11/1/2024. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị, hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự làm cơ sở để quản lý, chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo quỹ đất và tổ chức kêu gọi đầu tư phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tập trung nguồn nguyên liệu cát và giải quyết các vấn đề khó khăn giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ưu tiên nguồn lực cho các dự án lớn, có sức lan tỏa.
Cùng với đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Duy trì vị trí thuộc nhóm “rất tốt” trên bảng xếp hạng cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Quán triệt chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất thu hút và triển khai nhanh các dự án đầu tư, tăng cường thu hút dự án FDI có công nghệ sản xuất hiện đại, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
NGỌC TÂM