Huyện Tháp Mười đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 23/10/2013 04:46:36

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một trong những chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa nhằm chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác thực hiện BHNN tại huyện Tháp Mười.

Là năm thứ 2 huyện Tháp Mười thực hiện thí điểm chương trình BHNN, với tổng số hộ tham gia hơn 3.200 hộ, diện tích trên 2.200ha. Trong đó, số hộ nghèo tham gia hơn 1.500 hộ, cận nghèo là 1.400 hộ. Người nông dân nằm ngoài các diện được ưu đãi chỉ tham gia 254 hộ với diện tích 787,35ha. Theo thống kê, tổng phí bảo hiểm trong năm là 1,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, hộ không thuộc diện chính sách được hỗ trợ đóng gần 350 triệu đồng. Trong năm 2012 và 2013, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã kịp thời thẩm định, bồi thường sụt giảm năng suất do bệnh đạo ôn, bị thiên tai cho 25 hộ, diện tích 94,75ha, với tổng số tiền bồi thường là 98 triệu đồng.

Theo đánh giá UBND huyện, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Ban chỉ đạo BHNN huyện, trong quá trình triển khai thực hiện và chi trả bồi thường cho nông dân tham gia bảo hiểm khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh nên được nhân dân đồng thuận tham gia. Bên cạnh đó, sự tích cực của một số Ban vận động các xã, thị trấn làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, qua đó đã nâng cao được ý thức của nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác thí điểm BHNN là lực lượng của Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo BHNN huyện mỏng, địa bàn rộng, công tác chuyên môn nhiều nên làm hạn chế phần nào về thẩm định khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Chương trình chưa được sự quan tâm đầy đủ, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và một số ban, ngành, đoàn thể huyện, xã.

Thực tế cho thấy, khó khăn nhất trong công tác này là việc quy định của BHNN chưa sát với thực tế. Nhiều hộ sản xuất lúa có năng suất thấp, hoặc mất trắng, nhưng năng suất thực tế bình quân của toàn xã cao hơn so với quy định được bảo hiểm thì các hộ này không được bồi thường. Ngoài ra, bảo hiểm đền bù cho một số loại bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trong khi nhện gié, chuột cắn phá lại nằm trong nhóm dịch bệnh lại không được bồi thường. Hầu hết cán bộ thực hiện thí điểm BHNH chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên việc thẩm định, hỗ trợ chưa kịp thời cho bà con. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ trong công tác thanh quyết toán nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Trước những vấn đề này, khiến cho người nông dân ít mặn mà với BHNN, chỉ một số địa phương có nguy cơ cao nên bà con nông dân tham gia thực hiện nhiều.

Theo kế hoạch của huyện, trong vụ đông xuân 2013-2014, huyện khuyến khích người dân tham gia BHNN từ 10-15% diện tích sản xuất. Để đạt chỉ tiêu trên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt chú ý đến các xã có nguy cơ cao như: Hưng Thạnh, Mỹ Hòa, Tân Kiều, Trường Xuân...

Trong buổi làm việc của Hội đồng nhân dân khảo sát thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiêu thụ lúa gạo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân cho rằng, để thực hiện các nghị định, quyết định trong đó có chương trình thí điểm BHNN rất cần công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, qua đó nắm bắt những vướng mắc của địa phương để kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn